Chỉnh đốn Ðảng – dấu ấn “không vùng cấm”
Dấu ấn mạnh mẽ của công tác chỉnh đốn Ðảng trong nhiệm kỳ Ðại hội XII là kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng được siết chặt, pháp luật của Nhà nước được đề cao, việc xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm được thực hiện nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…
Suốt chặng đường gần 90 năm lãnh đạo cách mạng, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Nhờ đó, Ðảng ta ngày càng vững mạnh, lãnh đạo đất nước giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong nhiệm kỳ khóa XII, Ðảng ta đặc biệt coi trọng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, với việc ban hành và thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nghị quyết đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, với quan điểm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa xây dựng Ðảng và chỉnh đốn Ðảng, trong đó xây dựng Ðảng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Trong tình hình hiện nay, Trung ương nhấn mạnh và đề cao nhiệm vụ chỉnh đốn Ðảng, với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của toàn Ðảng, cùng với sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân được phát huy cao độ, Nghị quyết đã được thực hiện nghiêm túc và đạt những kết quả quan trọng.
Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chỉnh đốn Ðảng. Các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được nhận diện và có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả. Vai trò của tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từng bước được phát huy.
Ý thức chấp hành đường lối, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nhất là cấp trung ương, có tác dụng rõ rệt, góp phần chủ động ngăn ngừa vi phạm của cán bộ cao cấp và cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe chung đối với mọi cán bộ, đảng viên. Trong thành công đó có sự đóng góp đáng kể của lực lượng Công an nhân dân.
Không chỉ là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, lực lượng Công an nhân dân còn phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế lớn, phức tạp; đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Ðảng và trong xã hội.
Nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, công tác chỉnh đốn Ðảng đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong dư luận; trách nhiệm của cấp ủy và sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp được đề cao; sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng và sự đồng thuận trong xã hội được tăng cường; sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vai trò của nhân dân được phát huy.
Với nhiều giải pháp quyết liệt, vừa toàn diện, đồng bộ; vừa có trọng tâm, trọng điểm và chọn đúng khâu đột phá, công tác chỉnh đốn Ðảng đã đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt, từng bước khắc phục được những hạn chế, yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ trong một số lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp.
Ðiểm nổi bật trong tổ chức thực hiện Nghị quyết là công tác chống tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ, đạt kết quả rõ rệt, được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao; tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở các địa phương có chuyển biến tích cực, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Với việc hơn 2.200 cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng bị xử lý kỷ luật; 44 vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, cùng hơn 500 bị cáo được đưa ra xét xử bằng những bản án nghiêm khắc; thu hồi hơn 27.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước… đã thể hiện sự nghiêm minh của Ðảng trong cuộc đấu tranh với tệ tham nhũng.
Gần đây, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng là kiên quyết, không ngừng nghỉ.
Dấu ấn mạnh mẽ của công tác chỉnh đốn Ðảng trong nhiệm kỳ này là kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng được siết chặt, pháp luật của Nhà nước được đề cao, việc xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm được thực hiện nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai, giữ cương vị công tác nào, đương chức hay đã nghỉ hưu. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết đến nay, đã có gần 800 tổ chức đảng và hơn 42.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác nhau.
Ðáng chú ý, trong số đảng viên bị kỷ luật có hơn 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị; 5 Ủy viên Trung ương Ðảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương; 14 nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy…
Ðây là điều mất mát và đau xót của Ðảng, nhưng cái mà chúng ta đạt được lại hết sức to lớn. Ðó là kỷ luật và kỷ cương của Ðảng được giữ vững, uy tín và sức mạnh của Ðảng được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với Ðảng được nâng cao. Kết quả công tác chỉnh đốn Ðảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã góp phần tạo nên động lực mới, khí thế mới, động viên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và phát triển đất nước. Kinh tế – xã hội của nước ta những năm qua đã có những chuyển biến rất ấn tượng, phát triển toàn diện trên các mặt; tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm đều tăng, vượt chỉ tiêu đề ra (năm 2018 đạt 7,08%, năm 2019 ước đạt 6,8%); năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên nhận thức chưa đúng và thiếu nghiêm túc, quyết liệt trong việc nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời nắm bắt tình hình và tập trung lãnh đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, vụ việc nổi cộm; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử có mặt còn hạn chế, có nơi chưa coi trọng phòng ngừa, chưa chủ động phát hiện, chưa kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm…
Nhưng nhìn tổng thể, những kết quả đạt được vẫn là cơ bản. Sự kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác chỉnh đốn Ðảng càng làm cho Ðảng ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn, đoàn kết hơn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Ðó là nhân tố quyết định đưa đất nước phát triển và đạt được những thành tựu hết sức to lớn: ổn định chính trị, xã hội được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; vị thế và uy tín của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế; niềm tin của nhân dân đối với Ðảng ngày càng được củng cố. Những yếu tố đó là nền tảng, tạo tiền đề vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
Chỉnh đốn Ðảng là một nhiệm vụ hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của Ðảng và chế độ; là công việc đầy cam go, khó khăn, phức tạp, do đó cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không chủ quan, nóng vội, không thỏa mãn với kết quả đạt được. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp càng phải giữ vững bản lĩnh chính trị, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Ðảng và trong xã hội; nâng cao trách nhiệm nêu gương; dựa vào nhân dân để xây dựng và chỉnh đốn Ðảng; quyết liệt thực hiện các giải pháp, đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng và niềm tin của nhân dân.
PGS.TS. Trần Quang Tám