Chiến tranh BGPB 1979: Việt Nam cho phép TQ rút quân mà không đánh đuổi – Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Thấm nhuần đạo lý “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, ngày 7.3.1979, chúng ta tuyên bố Việt Nam cho phép Trung Quốc rút quân mà không đánh đuổi.
Từ suốt chiều dài lịch sử
Trong suốt chiều dài lịch sử bang giao giữa hai dân tộc, Trung Quốc đã nhiều lần phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc tấn công nào cũng đều có một kết cục giống nhau là chuốc lấy thất bại.
Tất nhiên, để giành được thắng lợi trước những đội quân xâm lược thiện chiến, hùng mạnh không phải là điều dễ dàng. Thông thường, để chuẩn bị xâm lược Việt Nam, các thế lực phong kiến phương Bắc đều có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt và thường là áp đảo về binh lực.
Bởi vậy, có những lần vua tôi nhà Trần phải bỏ kinh thành, thực hiện vườn không nhà trống để chống giặc. Còn Lê Lợi thì phải mười mấy năm trời “nếm mật nằm gai”, có những lúc “lương hết mấy tuần”, “quân không một đội” hết sức gian nan.
Tuy nhiên, khi ngọn cờ chính nghĩa sáng tỏ, thu phục được lòng dân, tập hợp được nghĩa sĩ thì lực ta ngày càng mạnh, đánh đâu thắng đó. Còn quân địch, vốn là phi nghĩa, lại tác chiến xa nhà, thung thổ không quen nên ngày càng lún sâu vào thất bại.
Tình hình đó đã được Nguyễn Trãi mô tả một cách rất chính xác trong “Cáo bình Ngô”:
“Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”.
Và kết cục là:
“Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng”.
Từ chỗ hung hăng như đi vào chỗ không người, tướng sĩ địch giờ đây vô cùng khốn đốn. Tuy nhiên, với đạo lý “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, ông cha ta đã không truy sát, không trả thù mà còn tạo điều kiện cho họ bình an trở về quê nhà:
“Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”.
Có thể nói, đó là cách xử trí hết sức nhân đạo, nhân văn, thấm đẫm tình người đồng thời mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ giữa hai nước. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm hết sức quý giá về đường lối ngoại giao với các nước láng giềng.
Đến hôm nay
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc phát động cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam.
Trước sự kháng cự mãnh liệt của các lực lượng vũ trang Việt Nam mà chủ yếu là dân quân tự vệ, công an vũ trang và bộ đội địa phương, quân đội Trung Quốc đã bị kìm chân và sau hơn 2 tuần tác chiến, dù hứng chịu những tổn thất rất lớn nhưng chúng cũng mới chỉ chiếm được vài thị xã, thị trấn quanh vùng biên ải.
Không để cho quân xâm lược muốn làm gì thì làm, ngày 5.3.1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Lệnh Tổng động viên nhằm kêu gọi, động viên toàn dân, toàn quân giết giặc cứu nước.
Đồng thời với lệnh Tổng động viên, Bộ Tổng Tư lệnh cũng quyết định điều động một số đơn vị chủ lực đang tác chiến ở Campuchia về nước và lên biên giới phía Bắc, sẵn sàng giáng cho quân xâm lược những đòn đích đáng. Đơn vị đầu tiên được điều động là Quân đoàn 2.
Nhận lệnh của trên, Quân đoàn 2 đã thực hiện chuyển quân thần tốc bằng cả đường biển, đường bộ, đường sắt và đường không bắt đầu từ ngày 6.3.1979.
Ngày 11.3 những đơn vị đầu tiên của quân đoàn gồm Sư đoàn bộ binh 304, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn phòng không 673, tiểu đoàn trinh sát… đã về tới Hà Nội và được đưa ngay lên hướng Lạng Sơn. Riêng Lữ đoàn xe tăng 203 cơ động về sau.
Bên cạnh đó, các phi đội thuộc Trung đoàn không quân 917, 935 và 937 trang bị trực thăng UH-1, máy bay trinh sát U-17, máy bay cường kích A-37, máy bay tiêm kích bom F-5 lần lượt được triển khai ở căn cứ Hòa Lạc, Kép, Bạch Mai và Nội Bài, cùng với các phi đội tiêm kích MiG-17, MiG-21 của Sư đoàn không quân 371 đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ.
Trước viễn cảnh sẽ phải hứng chịu đòn trừng phạt của các đơn vị chủ lực dạn dày kinh nghiệm chiến đấu, trưa ngày 5.3.1979, Bắc Kinh tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh”, giành được “chiến thắng” và bắt đầu rút quân. Ngày hôm sau quân Trung Quốc rút về phía bắc sông Kỳ Cùng và từng bước rút về nước.
Thấm nhuần đạo lý “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của dân tộc, ngày 7.3.1979, Nhà nước Việt Nam tuyên bố để thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam sẽ cho phép Trung Quốc rút quân mà không đuổi đánh. Bộ Quốc phòng Việt Nam khi đó đã cho dừng chiến dịch phản công để phía Trung Quốc rút lui.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt