+
Aa
-
like
comment

Chiến thắng Biên giới 1950: Mở cánh cửa với các nước XHCN

13/10/2020 07:04

Khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng cũng chính thức trở thành đầu mối (cửa ngõ) giao lưu giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa.

Trong chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam (1945 – 1975), Chiến dịch Biên giới 1950 có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là “chiến dịch phá vòng vây”, mở ra “cánh cửa” tiếp xúc với thế giới bên ngoài cho cách mạng. Tròn 7 thập kỉ đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến công vang dội ấy.

Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp, trong đó có không ít loại mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy hoặc thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp, trong đó có không ít loại mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy hoặc thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược bước sang năm thứ tư và đang đứng trước tình thế mới. Dù phải “chiến đấu trong vòng vây” của thực dân Pháp, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với phương châm “tự lực cánh sinh”, quân dân Việt Nam giành được những thắng lợi rất cơ bản: Vùng giải phóng được giữ vững; phong trào chiến tranh du kích diễn ra rộng khắp, từng bước kết hợp chặt chẽ với chiến tranh chính quy tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng…

Tuy nhiên, cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực dân Pháp, được đế quốc Mỹ hậu thuẫn (thông qua kế hoạch Rơ-ve) xây dựng “tuyến hành lang cơ bản” (Hải Phòng – Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La) hòng cắt liên lạc giữa căn cứ địa Việt Bắc (nơi đặt cơ quan đầu não chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến của ta) với đồng bằng Liên khu III, Liên khu IV; đồng thời tăng cường phòng ngự tại các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm “khóa chặt biên giới Việt – Trung”, tiếp tục cô lập cách mạng Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, Chiến dịch Biên giới, ngày 16/9/1950. Ảnh: Vũ Năng An
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, Chiến dịch Biên giới, ngày 16/9/1950. Ảnh: Vũ Năng An

Phản ánh sự khó khăn ngay tại căn cứ địa Việt Bắc thời gian từ năm 1949 đến giữa năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Trong năm 1949, giá gạo bắt đầu tăng vọt. Ở Thái Nguyên, đầu năm giá một ki-lô-gam gạo là 4,3 đồng, giữa năm tăng lên 14,2 đồng, cuối năm tăng lên 22 đồng. Tiền sinh hoạt phí của bộ đội chỉ đủ mua bảy đến 8 ki-lô-gam gạo. Đến mùa Hè này thì hầu như có tiền cũng không mua được gạo. Cán bộ từ các tỉnh lên làm việc với cơ quan Trung ương phải mang gạo theo, hoặc là mang thuốc lào, vải vóc để có thể đổi lấy gạo. Đồng tiền Việt Nam mất giá nhanh”. Nhu cầu bức thiết đặt ra của cách mạng Việt Nam lúc này là phải tìm cách phá thế bao vây, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo sức mạnh tổng hợp tiếp tục đưa kháng chiến tiến lên.

Bối cảnh quốc tế lúc này có sự chuyển biến quan trọng. Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949) tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt đối với cuộc kháng chiến của ta. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cách mạng Trung Quốc thành công đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ trước mắt phải nhanh chóng giải phóng một vùng biên giới phía Bắc tiếp giáp với khối xã hội chủ nghĩa. Đây sẽ là hậu phương lớn của cách mạng ba nước Đông Dương. Chỉ có mở thông đường giao lưu quốc tế, ta mới có điều kiện tiếp nhận sự chi viện từ các nước anh em”.

Để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa đối với cách mạng Việt Nam, đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật vượt qua tuyến phòng thủ biên giới của quân Pháp ở Cao Bằng, đi thăm Trung Quốc, Liên Xô. Trong các cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc đều cam kết ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến giành độc lập; đồng thời thống nhất nhận định: vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải “khai thông biên giới Việt Nam – Trung Quốc”. Cũng từ tháng 1 năm 1950, các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ kháng chiến (Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa). Từ đây, Việt Nam chính thức trở thành tiền đồn của phòng tuyến chống đế quốc ở Đông Nam Á; cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh theo phe xã hội chủ nghĩa cũng như phong trào cách mạng thế giới.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Bản hùng ca Chiến thắng Biên giới" trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950 - Giải phóng Cao Bằng (3/10/1950-3/10/2020). (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca Chiến thắng Biên giới” trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950 – Giải phóng Cao Bằng (3/10/1950-3/10/2020). 

Trong tình thế đó, tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương mở chiến dịch quy mô lớn ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc nhằm mục đích: “Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường thông thường với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”. Mục đích giải phóng một phần biên giới để mở cánh cửa ra với thế giới bên ngoài là quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng chính chiến dịch (Đông Bắc hay Tây Bắc) chưa thống nhất.

Tháng 7 năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục họp bàn, quyết định chọn hướng tiến công chính ở Cao Bằng – Lạng Sơn, dựa trên những cơ sở: Thứ nhất, đây là địa bàn hiểm yếu, thuận lợi giao thông quốc tế: Đường số 4 chạy dọc biên thùy Đông Bắc tới miền duyên hải Vịnh Bắc Bộ, dọc đường có nhiều cửa khẩu thông sang Trung Quốc; đặc biệt là có hai tuyến đường chiến lược (Đường số 3, Đường số 1) chạy từ biên giới (thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn) về căn cứ Việt Bắc và tiến xuống phía nam, có thể trở thành những đầu mối giao thông tiếp nhận hàng viện trợ. Thứ hai, tuy quân Pháp trên tuyến phòng thủ Cao Bằng – Lạng Sơn đông, tổ chức thành những cụm cứ điểm mạnh dọc theo Đường số 4 (Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng…), nhưng các cụm cứ điểm này cách xa nhau (30 – 40km), thuận lợi cho ta chia cắt và “đánh điểm, diệt viện”. Thứ ba, địa hình rừng núi không quá hiểm trở, phù hợp với sở trường tác chiến của quân đội ta tại thời điểm này. Thứ tư, xét trên toàn tuyến biên giới, đây là địa bàn thuận lợi cho việc huy động nhân lực, vật lực phục vụ cho hoạt động tác chiến dài ngày.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm phần lớn các đơn vị cơ động chiến lược của Bộ: Đại đoàn 308, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174 và bốn đại đội sơn pháo, năm đại đội công binh; phối hợp cùng lực lượng vũ trang của Liên khu Việt Bắc và hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Lực lượng hậu cần có khoảng ba vạn người, cộng thêm 12 vạn dân công dự kiến phục vụ trong vòng 3-4 tháng với trên 1.700.000 ngày công, khối lượng vận tải (chủ yếu là lương thực, súng đạn) từ xa đến khoảng 4.000 tấn. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đi mặt trận tham gia chỉ đạo, đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào.

Chiến dịch Biên giới diễn ra 29 ngày đêm (16/9 – 14/10/1950) kết thúc thắng lợi, mở ra bước ngoặt phát triển cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Ta diệt và bắt hơn 8.000 quân tinh nhuệ địch, thu 3.000 tấn vũ khí; mở thông dải biên giới Đông Bắc kéo dài từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn). Trên cơ sở đó, từ năm 1950 đến năm 1954, ta từng bước khôi phục, mở mới tuyến giao thông vận tải hậu phương chiến lược từ biên giới Việt – Trung (Cao Bằng – Lạng Sơn) sang Tây Bắc (Lai Châu – Điện Biên Phủ) qua Hòa Bình vào tới nam Hà Tĩnh với tổng chiều dài 2.080km. Từ đây, khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng cũng chính thức trở thành đầu mối (cửa ngõ) giao lưu giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa; và là “đầu cầu” tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam: 3.983 tấn (1950); 6.086 tấn (1951); 2.156 tấn (1952); 4.400 tấn (1953); 4.892 tấn (nửa đầu năm 1954); bảo đảm cho cách mạng giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới 1950 và Giải phóng Cao Bằng (03/10/1950 – 03/10/2020). Ảnh: Baophapluat.vn
Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới 1950 và Giải phóng Cao Bằng (03/10/1950 – 03/10/2020).

Chiến dịch Biên giới 1950 khẳng định sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng đặt ra và phù hợp với tình hình biến chuyển của phong trào cách mạng thế giới. Đồng thời, thắng lợi này cũng chỉ ra cho cách mạng nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, đó là: “Quá trình tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế luôn luôn gắn liền với nỗ lực của ta đánh thắng địch trên chiến trường. Mỗi thắng lợi qua các giai đoạn chiến lược là một bước phát triển mới trong sự nghiệp tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế”.

TS Trần Hữu Huy- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Bài mới
Đọc nhiều