+
Aa
-
like
comment

Chiến sĩ CSCĐ kể lại thời điểm cứu cháu bé bị co giật trên sân Thiên Trường

05/08/2019 19:26

“Trong tình huống cấp bách, cháu bé co giật có thể mất ý thức, tự cắn vào lưỡi, lúc này không vật dụng nào khác, nên tôi chỉ còn nghĩ được cách đưa ngón tay miệng cháu bé để tránh việc cháu cắn vào lưỡi gây nguy hiểm…”, chiến sĩ CSCĐ đang gây dậy sóng cộng đồng mạng vì chịu đau cứu cháu bé co giật chia sẻ.  

Từ chiều tối ngày 4/8, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh đẹp về một chiến sĩ CSCĐ, Công an tỉnh Nam Định, cắn răng chịu đau khi dùng ngón tay cái đưa vào miệng một cháu bé bị ngất xỉu trên khán đài sân vận động Thiên Trường, Nam Định, trong trận đấu giữa câu lạc bộ Nam Định và câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai. Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, bức ảnh đã được chia sẻ, lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Chiến sĩ CSCĐ kể lại thời điểm cứu cháu bé bị co giật trên sân Thiên Trường - 1
Đại uý Trần Đức Giảng, Đại đội trưởng, Phòng CSCĐ, Công an tỉnh Nam Định

Người đưa ngón tay vào miệng cháu bé đề phòng cháu nuốt lưỡi hoặc cắn vào lưỡi, là Đại uý Trần Đức Giảng, Đại đội trưởng, Phòng CSCĐ, Công an tỉnh Nam Định.

Đại uý Trần Đức Giảng cho biết, vào chiều 4/8, Phòng CSCĐ Công an tỉnh Nam Định nhận nhiệm vụ bảo vệ vòng trong trận đấu giữa Nam Định – Hoàng Anh Gia Lai tại sân vận động Thiên Trường.

Khi hiệp 2 của trận đấu mới diễn ra được 10 phút, tại khu vực khán đài B của sân vận động Thiên Trường có một tốp người nhốn nháo, ồn ào. Ngay lập tức, Đại uý Giảng đang bảo vệ vòng trong gần đường Piste đã tiến lại để xem có chuyện gì thì phát hiện lúc này lực lượng an ninh đang tiến hành kiểm tra 1 cháu bé khoảng 4 – 5 tuổi bị ngất xỉu.

Thấy lượng người tập trung quá đông nên Đại uý Giảng đã hò hét, yêu cầu mọi người giãn ra để đảm bảo không khí cho cháu bé thở và để chuyển cháu bé xuống khu vực y tế sơ cứu.

Chiến sĩ CSCĐ kể lại thời điểm cứu cháu bé bị co giật trên sân Thiên Trường - 2
Đại uý Trần Đức Giảng lộ rõ gương mặt đau đớn do bị cậu bé cắn chặt ngón tay (ảnh: Gia Hưng)

Đại uý Giảng cho hay: “Khi tôi lại gần để đưa cháu bé xuống khu vực y tế, một số người nói cháu bé có biểu hiện co giật, tôi liền nghĩ nếu cháu bị co giật trong vô thức sẽ rất nguy hiểm, có thể nuốt lưỡi hoặc cắn vào lưỡi. Lúc này, vì không thể tìm được một vật dụng nào khác, tôi chỉ còn cách đưa ngón tay vào miệng cháu bé với hy vọng giữ an toàn cho cháu. Tay còn lại tôi đỡ cổ cháu bé rồi cùng đồng đội là Hạ sĩ Trần Thanh Hiếu đưa cháu xuống khu vực y tế”.

Cũng theo Đại uý Giảng, đoạn đường xuống khu vực y tế của sân Thiên Trường tuy không dài nhưng do cháu bé nghiến răng rất chặt, cộng với việc anh phải chạy nên ngón tay cái bị xê dịch khiến anh rất đau.

Sau khi đưa cháu bé đến khu vực y tế, Đại uý Giảng và đồng đội tiếp tục quay trở lại khu vực được phân công để làm nhiệm vụ. Do lượng người ngày hôm qua đến sân Thiên Trường quá đông, sự việc lại xảy ra nhanh và bất ngờ nên anh Giảng không nắm rõ tên tuổi, địa chỉ của cháu bé cũng như bố mẹ cháu.

Đại uý Trần Đức Giảng chia sẻ: “Thời điểm ấy tôi chỉ cố mang cháu bé đến khu vực chăm sóc y tế và quay lại làm nhiệm vụ được phân công, nên tôi không biết rõ địa chỉ của cháu, giờ cũng chưa nắm rõ tình hình sức khoẻ của cháu như thế nào”.

Cũng theo chia sẻ của Đại uý Giảng, thời điểm đó do tình thế quá cấp bách nên anh cũng không kịp nghĩ ngợi và quan sát nhiều. Sau này về thấy xuất hiện ảnh và thông tin trên báo mới biết trước khi anh đến hỗ trợ đã có một chiến sĩ mặc màu áo Cảnh sát PCCC cũng đã đưa tay vào miệng cháu bé để giữ không cho cháu bé cắn vào lưỡi.

Chiến sĩ CSCĐ kể lại thời điểm cứu cháu bé bị co giật trên sân Thiên Trường - 3
Ngón tay Đại uý Giảng lúc này vẫn còn hơi sưng do vết cắn của cháu bé.

Đại uý Giảng chia sẻ, anh đã hành động như vậy để cứu cháu bé bằng chính kinh nghiệm nuôi con ở nhà của bản thân. Lúc đó chỉ mong cháu bé được bình an chứ không nghĩ nhiều đến cơn đau của mình.

Liên quan đến hành động được dư luận đánh giá là nhân văn của anh Giảng, các bác sĩ chia sẻ, hình ảnh anh Giảng cắn răng chịu đau đưa ngón tay vào miệng của em bé bị co giật thật đẹp và ý nghĩa, nhưng xét về mặt y học thì việc sơ cứu đó chưa đúng cách.

Theo các bác sĩ, cách xử trí tốt nhất khi thấy người bỗng dưng co giật là để nạn nhân giật một cách tự nhiên, không cố ôm, giữ, tì đè nạn nhân. Không cho vật cứng hay ngón tay vào miệng trẻ vì trong cơn co giật trẻ có thể cắn nát ngón tay.

(Theo Dân Trí)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều