Chỉ còn 200.000 đồng, 2 chị em sinh viên muốn về quê nhưng không được
N. cho biết mình là sinh viên đang chờ xin việc làm, mùa dịch kéo dài mà hai chị em chỉ còn 200.000 đồng nên phải về quê chứ không thể ở lại TP được nữa.
Sáng 30-7, rất đông người dân trên địa bàn TP.HCM tiếp tục di chuyển đến các cửa ngõ phía đông TP để về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhưng đều phải quay đầu lại.
Hai chị em chỉ còn 200.000 đồng
Theo đó, lực lượng CSGT Đội tuần tra dẫn đoàn, Công an TP.HCM đã tuần tra xử lý nhiều trường hợp ra đường khi không thực sự cần thiết.
Lực lượng CSGT cũng dừng xe, xử lý trường hợp người dân ra đường để về quê tránh dịch. Nhiều trường hợp người dân được yêu cầu phải quay đầu xe trở lại, tránh xảy ra tụ tập tại chốt kiểm soát ở các cửa ngõ.
Trong lúc đang làm nhiệm vụ tại đường Phạm Văn Đồng, CSGT đã dừng xe của N. chở theo chị gái đang điều khiển xe máy theo hướng từ TP đi tỉnh Đồng Nai.
“Chỉ thị 12 của TP quy định chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, đồng thời TP cũng không cho đi phương tiện cá nhân để về quê. Các em muốn về quê phải liên hệ chính quyền địa phương tại nơi cư ngụ để liên hệ, thu xếp chuyến xe đưa các em về” – CSGT nhẹ nhàng giải thích cho hai chị em.
N. cho biết mình là sinh viên vừa ra trường và đang chờ xin việc làm thì TP bùng phát dịch bệnh. Người chị của N. cũng là sinh viên năm 4, hiện hai chị em đang nhà trọ tại phường Hiệp Bình Chánh.
Khi được hỏi lý do vì sao nhất quyết đòi tìm cách về quê cho bằng được dù đã được giải thích, N. cho biết: “Em còn 200.000 đồng, mua đồ ăn không đủ, giờ thì hết sạch thức ăn rồi” – N. nói trong nước mắt.
N. sau đó vừa khóc vừa lật bóp chỉ cho CSGT nhìn còn đúng 200.000 đồng rồi nói: “Làm sao mà sống tiếp được đây anh”.
Theo N., để chuẩn bị về quê Quảng Ngãi, hai chị em đã vay mượn được 800.000 đồng để test nhanh COVID-19. Hành trang về quê của hai chị em là một chiếc xe máy, hai túi đựng quần áo và một túi đựng ít đồ ăn để đi đường.
CSGT không xử phạt hai chị em N. lỗi ra đường không cần thiết. Đồng thời, CSGT lấy 500.000 đồng gửi hai chị em.
“Không phải không muốn cho các em về nhưng TP đang dịch bệnh nên phải chịu thôi. Các em cầm tiền sống tạm đi, anh lấy số điện thoại có gì anh sẽ hỗ trợ thêm” – vị CSGT nói.
Bất ngờ với hành động của CSGT, N. và chị gái cảm ơn trong nước mắt rồi quay trở lại phòng trọ.
Hàng trăm mong muốn về quê
Cũng từ sáng sớm 30-7, rất đông người dân khi lưu thông đến các chốt kiểm soát ở các cửa ngõ phía đông TP.HCM buộc phải quay đầu xe trở lại do người dân tự ý đi phương tiện cá nhân về quê.
Theo ghi nhận, khi bị dừng xe hầu hết lực lượng chức năng đều giải thích: “Người dân không được tự ý về quê, phải liên hệ chính quyền địa phương ở quê để được tổ chức đón và thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm tránh lây lan dịch bệnh”.
Chị NTH, quê Quảng Ngãi cho biết ở TP.HCM mùa này không có việc làm, ở trọ ra mùa đồ ăn cũng khó khăn bởi các chốt kiểm soát. Đặc biệt, chị H. rất sợ nguy cơ nhiễm bệnh nên quyết định đi xe máy về quê.
“Em về quê rồi tự cách ly thôi, ở quê ít ra cũng có thực phẩm ăn uống dễ dàng hơn” – chị H. nói thêm.
Quan sát cho thấy, khi được CSGT yêu cầu không rời TP, từng tốp người dân đã nán lại tại các gầm cầu vượt, dọc tuyến đường để bàn bạc nhau tiếp tục tìm cách rời TP.
Đa phần họ đều cho biết thật sự muốn về quê, ở TP.HCM thất nghiệp quá lâu và không đủ điều kiện để tiếp tục ở lại. Khi được hỏi nếu tự ý về quê thì nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho quê hương rất cao thì họ trả lời: “Về quê sẽ tự cách ly, tự test nhanh COVID-19 để theo dõi”.
Các tỉnh có kế hoạch đón người dân về quê
Tại Đắk Lắk: Số lượng người dân từ Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM về tự do trong những ngày qua đã lên đến khoảng 20.000 người. Một số người thiếu ý thức đã tạo nên các ổ dịch.
Hiện Đắk Lắk đã có kế hoạch lập tổ công tác đặc biệt vào TP.HCM để liên hệ trực tiếp và phối hợp lên danh sách, hỗ trợ người dân về quê. Đối tượng ưu tiên được đưa về là: Người già, trẻ em; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Tại Phú Yên: Đã có 344 người dân được chính quyền đưa về quê nhà hôm 27-7. Hiện đang có gần 6.000 người đã đăng ký với Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM muốn được đưa về quê.
Tỉnh đã làm việc với hãng xe Phương Trang để đưa người Phú Yên về lại quê nhà, hai ngày một đợt, mỗi đợt 20 xe với 400 người.
Tại Tây Ninh: UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban liên lạc Hội đồng hương Tây Ninh tại TP.HCM làm đầu mối, phối hợp với tỉnh thông tin rộng rãi kế hoạch đến người dân đang tạm trú tại TP.HCM.
Đối tượng là người dân Tây Ninh hiện đang công tác, học tập, tạm trú tại TP.HCM, có nhà hoặc người thân có hộ khẩu thường trú tại Tây Ninh.
Tại Lâm Đồng: UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện, TP tuyệt đối không tiếp nhận đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác.
Theo đó, đối với trường hợp có nguyện vọng trở về địa phương phải thuộc nhóm ưu tiên là người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tất cả phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Tại Quảng Ngãi: Ngày 29-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hỏa tốc tạm dừng tiếp nhận người dân trở về từ các tỉnh, TP đang có dịch COVID-19 bởi quá tải trong cách ly.
Cụ thể trong thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch và tổ chức đón 400 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê miễn phí. Đồng thời sắp xếp tiếp nhận khoảng 1.500 – 1.800 người có nguyện vọng về quê để tổ chức cách ly tại các khách sạn có trả phí dịch vụ.
Tuy nhiên, đã có trên 5.000 người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam tự phát trở về quê, trong đó có nhiều trường hợp dương tính với COVID-19, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất cao. Trong khi đó, năng lực cách ly y tế của tỉnh đã quá tải.
Tại Giai Lai: Từ ngày 16-7, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương trong tỉnh lập danh sách người dân đang làm việc, học tập tại TP.HCM và Bình Dương. Trong đó, lập danh sách công dân có nguyện vọng đăng ký về tỉnh Gia Lai (số lao động, con em học tập có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ…)
TỰ SANG