Chắp thêm ‘cánh’ cho “vùng đất Chín Rồng”
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất chiến lược, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, du lịch và công nghiệp. Tuy nhiên, vùng này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước ngọt, kết cấu hạ tầng yếu kém và hạn chế về nguồn vốn đầu tư. Để khắc phục những bất cập này và phát triển bền vững ĐBSCL, Chính phủ mới đây đã đồng ý vay 2,53 tỷ USD từ 6 đối tác nước ngoài cho 16 dự án quan trọng tại vùng này.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc phát triển hạ tầng giao thông đối với ĐBSCL có ý nghĩa rất quan trọng khi tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các điểm nghẽn của vùng. Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan cùng các tỉnh ĐBSCL tập trung tháo gỡ các khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu thi công cao tốc… để các dự án hoàn thành kịp tiến độ đề ra.
16 dự án này đã được hai bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng 13 tỉnh, thành miền Tây thống nhất đề xuất. Trong đó, vốn vay nước ngoài hơn 2,8 tỷ USD (tương đương 66.282 tỷ đồng), vốn đối ứng hơn 28.000 tỷ đồng. Một số dự án có mức đầu tư lớn như: hệ thống đường ven biển dài 415 km đi qua 7 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) tại Vĩnh Long; xây hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên tại An Giang; Dự án Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ; Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 53 (46 km), quốc lộ 62 (77 km) và đường Nam sông Hậu (142 km)…
Các dự án sẽ được áp dụng cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại 10% đối với dự án của địa phương. 6 đối tác nước ngoài cho vay ODA gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Tái thiết Ðức, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới.
Việc đầu tư vào hạ tầng không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống về văn hóa, xã hội của người dân ĐBSCL. Khi có những dự án cầu đường, hồ nước ngọt điều tiết, đê ngăn mặn, đường ven biển, cao tốc… Giúp bà con miền Tây vựa lúa, vựa trái cây, thủy hải sản của cả nước, sẽ đưa hàng hóa tươi ngon, đến mọi miền của đất nước nhanh hơn, giá thành tốt hơn, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, phát triển công nghiệp, tránh phải di dân xa quê… Chỉ mong sao các dự án này nhanh chóng triển khai thành hình.
Chính phủ đã cho thấy sự quan tâm và nỗ lực trong việc gỡ vướng thủ tục, phát triển hạ tầng cũng như phát triển kinh tế ĐBSCL. Đây là một sự khẳng định của ý chí và trách nhiệm của Chính phủ đối với vùng đất chiến lược này. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và người dân để thực hiện các dự án một cách hiệu quả và bền vững.
Tùng Lâm