+
Aa
-
like
comment

Chặng đường mới trong hội nhập phát triển kinh tế của Việt Nam

Huy Hoàng - 07/08/2023 13:09

Có thể nói, Việt Nam đã thành công đi được nửa chặng đường trong việc hội nhập quốc tế, và nửa chặng đường tiếp theo vẫn đang chờ Việt Nam…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp về hội nhập quốc tế vào ngày 2/8.

Thời điểm tạo ra các bước phát triển mới về “chất”.

Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” ngày 2/8 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.

Việc tích cực hội nhập qua đó đã mang lại nhiều động lực quan trọng cho kinh tế Việt Nam. Nổi bật nhất như việc ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gia tăng qua mạnh mẽ qua hằng năm.

Song, cũng tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế, trong đó như tỉ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ASEAN không có nhiều thay đổi sau 10 năm… Điều này cho thấy việc hội nhập của nước ta vẫn chưa đủ sâu, chưa đủ chất.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Phiên họp lần thứ nhất.

Thực tế những điểm chưa được này vốn không xuất phát từ việc đất nước ta thiếu năng lực, mà xuất phát từ việc hội nhập chỉ mới tăng về lượng, chưa đủ về chất, hội nhập nhưng chưa khai thác hết tiềm năng của từng bên. Do đó, giai đoạn sắp tới, Việt Nam cần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với các đối tác đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Để qua đó, tìm kiếm những lợi ích kinh tế.

Để làm được điều này, theo Thủ tướng cần phải nắm chắc tình hình, bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển ở trong nước, song song đó phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thì hội nhập mới kịp thời mang về cơ hội cho đất nước.

Trọng tâm sẽ là hội nhập kinh tế. Còn hội nhập trên các lĩnh vực khác phải gắn kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, triển khai nhịp nhàng, đồng bộ, và đặc biệt hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.

Cũng theo Thủ tướng, triển khai công tác hội nhập phải hết sức nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết liệt hành động trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đồng thời””lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, Việt Nam cũng cần gắ việc hội nhập quốc tế với việc mục tiêu nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh, sức chống chịu và khả năng thích ứng của nước ta trước mọi biến động từ bên ngoài. Hội nhập cần đi liền với việc xây dựng tiếng nói, thương hiệu quốc gia để có được những nguồn lực ngoài nước.

Hội nhập cũng cần quan tâm đến nhiều lĩnh vực quan trọng khác, như đề nghị các đối tác hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, năng lực quản trị, huy động tài chính, đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng nhấn mạnh, để hội nhập quốc tế có sự biến đổi tích cực về chất, yếu tố nền tảng vẫn là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Con người là chìa khóa then chốt cho sự thành công của quốc gia. Về phía Chính phủ sẽ chủ động xây dựng chính sách trong nước theo kịp các cam kết của hội nhập và sự thay đổi của môi trường quốc tế.

“Đây là thời điểm để chúng ta duy trì, củng cố các thành tựu đã đạt được và tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTA mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước”, Thủ tướng phát biểu.

Với những nội dung được bàn thảo tại phiên họp vừa qua, có thể nói, Việt Nam đã thành công đi được nửa chặng đường, và nửa chặng đường tiếp theo vẫn đang chờ Việt Nam. Việc định hướng hội nhập để phát triển kinh tế, xây dựng năng lực quốc gia, cho thấy một tầm nhìn đúng đắn, hợp thời đại của Việt Nam.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều