+
Aa
-
like
comment

Chân dung người cận vệ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp

05/05/2021 07:27

Phải sở hữu một số tố chất tốt mới có thể được chọn làm vệ sĩ, còn để làm cận vệ cho các yếu nhân lịch sử thì cần thêm nhiều năng lực khác nữa. Vậy mà khi nhập ngũ (năm 1961) vào Quân chủng Phòng không-Không quân, anh thanh niên nông thôn Nguyễn Tiến Trổ quê ở xã Yên Giả, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, văn hóa mới hết lớp 4 phổ thông (hệ 10/10) làm sao lại trở thành cận vệ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Ông Nguyễn Tiến Trổ.

Gặp ông Trổ mới vỡ lẽ, nhìn nhận, sàng lọc qua 5 năm rèn luyện trong quân ngũ, tư chất tiêu chuẩn cận vệ ở Nguyễn Tiến Trổ xuất lộ, nên từng bước được Quân đội ta đào tạo. Thời chiến, lấy tĩnh chế được động là điều quý giá, cần tạo điều kiện cho vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam điều quân khiển tướng minh mẫn. Muốn vậy, các mối quan hệ trong phạm vi người cận vệ quan sát thấy phải “tuần tự nhi tiến”, hoặc giả có biến động cũng vẫn thuộc vùng ứng phó hiệu quả cao. Người cận vệ thời chiến ngủ đấy mà thức đấy, bốn chiếc máy điện thoại để trên cao, đêm đêm thường đổ chuông bất kể giờ giấc, là những đường truyền tin tới Đại tướng. Hai mươi năm, với những đêm lặng lẽ một mình, cất giữ an toàn tài liệu mật, ghi chép những thông tin chuyển đến chính xác, tạo điều kiện giúp Đại tướng an tâm nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe. Hai mươi năm với những ngày bên Đại tướng thị sát trận địa, trong bom rơi đạn lạc không một lần cho bất cứ ai thấy mình mệt mỏi, thiếu niềm tin…

Sự lạc quan, bình tĩnh tự tin là yêu cầu người vệ sĩ phải có, song, dường như người cận vệ còn được chính các yếu nhân lịch sử tiếp tục bồi dưỡng. Thiếu tá Nguyễn Tiến Trổ nhớ mãi lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn lúc chập tối ngày 18-12-1972: “Tối nay, không quân Mỹ sẽ đánh phá Hà Nội. Bây giờ bọn mình đi nghỉ, khi nào máy bay Mỹ bị quân ta bắn cháy, các đồng chí hãy đánh thức”.

Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Văn Tiến Dũng vào giấc ngủ trên hai chiếc giường trong hầm. Vẻ bình thản, lạc quan tin tưởng ở thắng lợi của các vị tướng lĩnh khiến các cận vệ thấy yên lòng hơn trước chiến dịch bão lửa quân thù sắp đổ xuống Thủ đô. Chưa đầy hai giờ sau, lúc 20 giờ 18 phút, pháo đài bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Hai vị tướng được các cận vệ theo lời dặn đánh thức.

Gần sáng, Đại tướng đã có mặt tại trận địa thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong bom đạn mịt mù vẫn ngoan cường đánh địch, lập thành tích nức lòng quân dân. Hiện thực hiển nhiên này tồn tại khắp dải đất Việt Nam trên suốt chiều dài lịch sử, nó là thực tiễn để Đại tướng thong thả trả lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra (ngày 9-11-1995): “Không có hai từ “lo sợ” trong tư duy quân sự của Việt Nam”. Từ đây, càng rõ với người cận vệ, thiếu một chút tự tại, tự tin sẽ gây ảnh hưởng lớn tới cả những người bên cạnh.

Ông Nguyễn Tiến Trổ trong một lần làm nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng, năm 1977.

Nhìn ông Trổ sang tuổi 75 vẫn còn giữ được vẻ vững chãi, mới hay, 20 năm ấy, Đại tướng và gia đình đã thật gần gũi và quý mến cận vệ. Đó như là chuyện hữu duyên gắn bó giữa những cốt cách, người cao xa mà hòa đồng, người thủ thế thân thiết mà bao hàm tĩnh tại, tạo được vòng tròn ngăn cản những rủi ro; cả hai là chỗ dựa của nhau, luôn bình an vận động.

Nhớ lại, có lần đi công tác, Đại tướng bắt buộc phải qua một khu vực đường đèo trống trải, vì bộ phận cảnh vệ không kịp đào hầm đề phòng nên khi máy bay địch bất ngờ xuất hiện, tính mạng Đại tướng bị đe dọa, đồng chí chỉ huy cảnh vệ lo lắng gọi máy hỏi cận vệ tình hình. Nguyễn Tiến Trổ đã trả lời dõng dạc: “Máy bay địch bổ nhào phía nào, tôi sẽ lấy thân mình che chắn cho Đại tướng phía đó… Báo cáo hết!”.

Sống bên Đại tướng ngần ấy năm, với ông Trổ có biết bao kỷ niệm. Đời ông trưởng thành cũng từ những kỷ niệm ấy. Thời chiến căng thẳng là một nhẽ, thời bình cũng không một phút được lơ là. Ngày sang Li-bi, nước bạn đón tiếp Đại tướng bằng việc kéo cả trung đội vệ binh tay giơ cao, tung súng ống tua tủa lên trời, miệng hô vang, mạnh ai nấy lộn xộn chạy tới, cận vệ làm sao tránh khỏi mừng ít lo nhiều. Đại tướng vui vẻ giơ tay đáp lễ họ, cận vệ cũng theo đó giơ tay nhưng là để phòng ngừa…

Suốt 20 năm làm việc căng thẳng, ông Nguyễn Tiến Trổ bị bệnh về thần kinh. Sau một thời gian điều trị, căn bệnh đã ổn định nhưng hơn ai hết, ông Trổ hiểu mình nên đi về đâu. Ông làm đơn xin được về quê sống với vợ con, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không còn được gần Đại tướng nữa. Mới chỉ nghĩ đến việc xa Đại tướng, ông Trổ đã thấy trống trải. Hóa ra không phải cận vệ là chỗ dựa của Đại tướng, mà có cách xa mới rõ ông được dựa vào Đại tướng rất nhiều. Tuy nhiên, ông đủ tĩnh trí rành rẽ: Ông không còn sung mãn để làm tròn nhiệm vụ của người cận vệ. Có người bảo ông nhiều nơi cần cận vệ như ông, mời chào hứa hẹn, ông về hưu sớm thế thì hơi phí. Ông Trổ luống phiền. Có thể làm cận vệ cũng là một nghề, nhưng chỉ với Đại tướng, ông mới trụ được 20 năm công việc đó. Đại tướng ân cần, chân tình giữ ông nhưng ông cũng chân thực xin phép trở về quê hương, bởi chỉ có như thế mới giúp ông viên mãn mỗi khi nghĩ đến Đại tướng.

Thời ông Trổ rời quân ngũ trở về Yên Giả, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đường đi lối lại, bát cơm manh áo còn khó khăn lắm. Lúa má năng suất quá thấp, không có điện lưới, đời chân đất vẫn phải bám trên đường lầy đất, một mét bê tông giao thông cũng bói không thấy trong làng, nói chi ngoài đồng ruộng. Khi địa phương cần, ông đã không ngần ngại đem chất lính đặc biệt ra chung sức cùng toàn dân thực hiện nghị quyết. Làm bí thư đảng ủy một khóa, với sự đồng tâm nhất trí của cả đảng bộ xã, ông đã nhìn thấy cận cảnh “điện, đường, trường, trạm” no ấm. Hợp tác xã Yên Giả bán 7 sào thùng vũng rìa làng để lấy tiền đưa điện về các hộ, ông Trổ làm đơn xin được tín chấp vay ngân hàng mua, rồi cùng gia đình cải tạo hơn chục năm trời mới thành được cơ ngơi ao cá, nhà cửa, cây trái xanh mát, đường đi lối lại thuận tiện, người thân bè bạn lui tới gặp gỡ vui vẻ như hôm nay.

Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, trái tim ông Trổ cùng với nhân dân cả nước không thể kìm nén được cảm xúc. Sự trở về lòng đất của vị tướng tài ba mà ông may mắn được làm cận vệ không phải là chuyến đi vào bóng đêm vĩnh hằng, ngược lại, tiếp tục bừng sáng. Những vòng hào quang từ đây càng ngời ngợi. Tình cảm của nhân dân, nước mắt của lịch sử đã cùng làm sáng trong viên ngọc phụng quốc mang dòng chữ Võ Nguyên Giáp. Ông Trổ những muốn trên mảnh đất gia đình mình – nơi người thân Đại tướng đã về thăm. Trong đó, ông khao khát hơn ai hết được đón những người cùng đội ngũ, những người luôn đề cao trách nhiệm vì dân vì nước, bởi ông luôn nghĩ đó chính là phong cách sống hết mình, sống vị tha, sống cùng lịch sử của dân tộc, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh thời luôn thể hiện.

Hôm đi dự lễ tưởng niệm một năm ngày mất Đại tướng tổ chức ở Hà Nội, gia đình Đại tướng đã dặn dò ông Trổ buổi giỗ đầu tính theo âm lịch, mời ông có mặt cùng con cháu trong nhà. Chủ nhật cuối năm đó, ông lại có cuộc gặp mặt những người lính cùng huyện thời chống đế quốc Mỹ, cứu nước, trong đó có ông Nguyễn Bá Líu (ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) – một báo vụ viên xuất sắc đã truyền đi bức điện lịch sử ngày 7-4-1975 mệnh lệnh của Đại tướng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện ấy cùng bức thư thăm hỏi cận vệ và bức tượng của Đại tướng với ông Trổ là những báu vật.

Nguyễn Xuân Tường

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều