+
Aa
-
like
comment

“Cấp cứu” bệnh viện Chợ Rẫy

Công Luân - 01/03/2023 06:37

Thông tin bệnh viện Chợ Rẫy có nguy cơ bị đóng cửa gây ra lo lắng rất lớn trong dư luận. Bởi đây là bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, tuyến cuối của khu vực miền Nam, mỗi ngày tiếp nhận hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị.

Bệnh nhân cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy

Chỉ điểm lại con số gần 50.000 ca mổ mà Chợ Rẫy đã thực hiện trong vòng năm 2022 thì đã thấy áp lực rất lớn mà đội ngũ y bác sĩ ở đây phải gánh chịu. Trong khi đó, cũng chỉ trong năm 2022, Chợ Rẫy có hơn 150 nhân viên y tế nghỉ việc, đa số chuyển ra làm việc ở khu vực y tế tư nhân. Số y bác sĩ còn lại phải làm việc trong môi trường không đủ hóa chất, vật tư y tế tiêu hao cần thiết cho hoạt động khám chữa bệnh. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Bệnh viện Chợ Rẫy đối mặt với nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động. Các khó khăn trên xuất phát từ những bất cập trong các quy định về đấu thầu vừa được bệnh viện báo cáo đến Bộ Y tế.

Từ hồi tháng 8/2022, lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy đã trình bày hết những khó khăn mà họ đang đối mặt. Đồng thời đề ra những phương án triển khai như việc mượn máy dịch vụ, hay là đề xuất chọn những loại máy phù hợp nhất chứ không phải rẻ nhất để chuẩn đoán đúng bệnh cho người dân. Đặc biệt là yêu cầu khẩn cấp tháo gỡ về cơ chế đấu thầu gây khó khăn cục bộ trong việc cung ứng thiết bị y tế. Tuy nhiên, từ đó đến nay những bài toán này vẫn chưa được giải quyết.

Chính vì thế, để hồi sức cho bệnh viện tuyến đặc biệt có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống y tế của miền Nam thì cấp thiết phải thành lập một ban “giải cứu”. Đứng đầu ban này cần phải là một vị Bộ trưởng hay Phó Thủ tướng để có thể đủ quyền hành và có cái nhìn khái quát nhất nhằm giải quyết những vấn đề nội tại. Cần đề ra những phương án xử lý tạm thời như nới lỏng có kiểm soát về quy định đấu thầu, có quy chế thuê đối với các máy y khoa dịch vụ…

Bệnh nhân khám chữa bệnh tại Chợ Rẫy

Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đến phương án chia lửa từ Chợ Rẫy về các bệnh viện tỉnh, huyện. Y tế Việt Nam hiện phân thành ba cấp kỹ thuật: tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở. Trong đó, tuyến cơ sở được phân cấp thành xã và huyện. Tuy nhiên, tuyến y tế cơ sở là xã thì gần như bị teo tóp chức năng, nó đang tồn tại có mà như không. Cứ thử đi vài vòng trạm y tế xã thì sẽ thấy rõ điều đó. Còn tuyến y tế huyện thì hầu như gặp vấn đề rất lớn về chuyên môn và thiết bị y tế. Trong tâm lý là phòng ngừa rủi ro, các bệnh nhân có dấu hiệu khó đều được làm giấy chuyển viện lên tuyến trung ương. Thậm chí, còn xuất hiện trường hợp nếu bệnh nhân đã từng chữa trị ở tuyến trung ương thì tuyến tỉnh không tiếp nhận. Chính những điều này đã tạo áp lực rất lớn cho tuyến cuối như Chợ Rẫy. Từ thực trạng trên cần có một chính sách phù hợp để giảm tải bệnh nhân lên tuyến trung ương như Chợ Rẫy. Gánh nặng cứ dồn lên vai suốt một thời gian dài thì không ai chịu nổi.

Thứ nữa, cần khẩn trương đẩy mạnh các dự án bệnh viện đang thực thi và hoàn thành tiến độ của các dự án bị bỏ hoang lãng phí. Đơn cử như việc thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 của Chính phủ mới đây. Rõ ràng trong bối cảnh thiếu hụt cả nhân lực và vật lực thì việc tận dụng khai thông những dự án bỏ hoang, gây lãng phí là điều hết sức cần thiết. Thời gian qua, việc thành lập Tổ công tác cho từng dự án đã nhận được những kết quả rất khả quan. Nhờ đó mà dự án Cát Linh – Hà Đông đã được đi vào hoạt động, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hết lỗ và đẩy nhanh tiến độ phục hồi, dự án sân bay Long Thành đã chạy đúng tiến độ sau bao năm ì ạch. Chính vì thế, momg rằng với nỗ lực này của Chính phủ những vấn đề nóng trong ngành Y sẽ dần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, trước mắt rất cần một cuộc hồi sức, cấp cứu cho Chợ Rẫy. Bởi chỉ cần bệnh viện ngưng hoạt động thì cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là bệnh nhân đang điều trị. Bệnh tật đã khổ sở quá rồi!

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều