+
Aa
-
like
comment

Cần triệt tiêu bệnh quan liêu, cửa quyền!

sông trà - 21/02/2020 16:31

Để đất nước phát triển, nhân dân sống trong yên bình hạnh phúc thì một công việc cần phải làm gấp là phải trừng trị nghiêm minh, thích đáng những biểu hiện trù dập, ức hiếp quần chúng.

Tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc lấy dân làm gốc và lắng nghe ý kiến của dân, bệnh quan liêu, xa dân cần được khắc phục. Phải  khắc phục những tồn tại yếu kém trong xử lý những vấn đề yếu kém để chúng ta xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nói về việc lấy dân làm gốc và khắc phục bệnh quan liêu, xa dân của cán bộ

Dân phải là gốc

Từ cổ chí kim lịch sử luôn chứng minh triều đại nào lấy dân làm gốc triều đại đó luôn hưng thịnh. Quân vương nào luôn lắng nghe thấu hiểu lòng dân quân vương đó luôn được nhân dân gọi là minh quân.

Theo đó, tư tưởng “dân là gốc” đã được cha ông ta, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tiếp thu, sáng tạo theo đúng bản sắc dân tộc mình. “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên”, “Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”…

Trần Hưng Ðạo phút lâm chung đã đúc kết những triết lý nền tảng đó thành lời dặn dò Ðức vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi, qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh, đã minh định, sáng tỏ: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”…

Thấm nhuần tư tưởng Mácxít và trải qua quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, Người đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân trong tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người cụ thể. Đó là người nông dân, công nhân, nhà trí thức, các chiến sĩ, các cháu thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài…

Cũng vì lòng dân một lòng mới có bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Đưa tên tuổi Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.

Trong thư gửi chủ tịch ủy ban các kỳ, tỉnh, huyện, làng…, Bác Hồ đã nhấn mạnh: Chính phủ từ Trung ương tới địa phương đều là công bộc của dân. Vào tháng 10/1945 Bác cũng viết một bài đăng trên báo Cứu quốc lấy tiêu đề: “Sao cho được lòng dân”. Ðược lòng dân với một nhà nước cầm quyền là phải có những quyết sách đúng, chủ trương chính sách đúng và tổ chức thực hiện chủ trương chính sách ấy cho đến nơi đến chốn. Khi có một chủ trương chính sách hợp lòng dân thì người dân cũng hết lòng ủng hộ, làm theo.

Dân đã đồng tình thì việc gì cũng xong. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Lòng dân là “nhân”, vận nước là “quả”. Nhân nào quả ấy. Lòng dân đồng thuận thì nước hưng thịnh. Lòng dân trăm mối thì nước suy vong. Vận nước là do chính chúng ta tạo ra. Khi ta làm tốt, xã hội đi lên thì gọi đó là thời vận đang đến.

Phải loại bỏ bệnh quan liêu, cửa quyền

Thời gian qua, đã có sự “rạn vỡ”, những mâu thuẫn sâu sắc xảy ra giữa nhân dân và chính quyền mà nguyên nhân xuất phát từ cách làm việc quan liêu, cửa quyền của đội ngũ cán bộ các cấp. Điển hình như vụ Thủ Thiêm, Đồng Tâm. Hậu quả để lại rất lớn, xung đột cũng bắt nguồn từ việc chính quyền và nhân dân không tìm thấy tiếng nói chung.

Cần triệt tiêu bệnh quan liêu

Rất hiếm thấy cuộc đối thoại nào giữa nhân dân và chính quyền mà lại có hình ảnh “dép bay”. Thật đau xót bởi một cuộc xung đột mà cả nhân dân và chính quyền đều có người “nằm xuống”.

Hoặc, câu chuyện Đoàn Văn Vươn là một vụ điển hình việc dân phản ứng chính quyền gây thiệt hại nặng nề. Đó là bài học tuy cũ nhưng chẳng thể nào quên. Đất cũng là lý do mà nhân dân sát cánh với chính quyền để giữ gìn từng tấc và cũng chính đất đã khiến nhân dân “quay lưng” và xung khắc với chính quyền.

Vậy tại sao lại có chuyện này, có thực sự dân “gian” không hay là quan “tham”? Chủ trương chính sách phát triển đất nước là hợp lý, luôn được nhân dân hưởng ứng chỉ có người thực đôi lúc hiện làm chưa đúng với quan điểm và chủ trương dẫn đến không thuận lòng dân mà “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Montesquieu trong Tinh thần Pháp luật (L’Esprit des Lois) có đưa ra luận điểm có lý rằng: “Bất kỳ ở đâu có quyền lực đều xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền”. Từ thực tế diễn ra như đã nói ở trên, và còn lẩn khuất đâu đó vô số những trường hợp tương tự đã phần nào minh chứng cho sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ.

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân: “Nhiều cán bộ các cấp các ngành còn tác phong quan liêu, gia trưởng độc đoán, thậm chí trù dập ức hiếp quần chúng… làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin đối với Đảng” – Tổng bí thư nêu rõ.

Dĩ nhiên, những hành động đó tuy không phổ biến nhưng theo Tổng bí thư thì điều này rất nghiêm trọng, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, không thể xem thường. Tổng bí thư yêu cầu phải trừng trị nghiêm minh, thích đáng những biểu hiện trù dập, ức hiếp quần chúng.

Đúng là, mất lòng tin là mất tất cả. Nhưng lòng tin cũng là một trạng thái tâm lý nên dẫu bền vững đến đâu cũng có thể thay đổi. Tuy nhiên lòng tin chỉ thay đổi qua quan sát thực tiễn, ở sự đúng đắn của chính sách, ở hành động cụ thể chứ không thể thay đổi bằng nghị quyết, bằng lời hứa hẹn.

Vì thế, nhà nước phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực. Đưa ra những nguyên tắc kiểm soát quyền lực có lẽ chưa đủ để thực thi việc chống tình trạng lạm quyền  này. Người ta cần đi xa hơn trong việc xây dựng các thể chế cụ thể để kiểm soát quyền lực. Cũng có người đề nghị cần giáo dục cán bộ tiết chế lòng tham, trau giồi tư đức bằng những lớp tập huấn, bằng công việc thực tế..v..v.

Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, nếu không cải tạo môi trường “ô nhiễm quyền lực” bấy lâu, không có những thiết chế vững vàng, không có sự nghiêm minh của luật pháp… thì việc “phòng chống” hay có người nói “tiêu diệt” tham nhũng, quan liêu, cửa quyền vẫn chỉ nửa vời, không hiệu quả.

Như Bác Hồ đã nói: “Tất cả đều là nhân dân và dưới bầu trời này, không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Lời khẳng định của Bác tuy ngắn gọn, nhưng vô cùng sâu sắc, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo nhân dân qua các thời kỳ.

Nhân dân vốn dĩ rất công bằng và sẽ không có lợi ích nào bằng tình yêu với quê hương, nhân dân sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân nếu điều đó giúp cho đất nước phát triển, để cuộc sống của họ an yên, hạnh phúc.

Chính vì vậy, các bậc “phụ mẫu” nói thế đủ rồi, giờ là lúc người dân cần thấy  những liều thuốc đặc trị hiệu nghiệm hơn để trị bệnh quan liêu, cửa quyền. Bởi một điều, lòng dân đồng thuận thì nước hưng thịnh, lòng dân trăm mối thì nước suy vong.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều