Cán bộ đi vệ sinh khi bị…dân nhắc và văn hóa “4 xin”, “4 luôn”
Theo nội dung của Đề án “Văn hóa công vụ” khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, “người Nhà nước” cần thực hiện “4 xin” là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn” là “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”. Ngày 24/10 một sự cố đáng tiếc đã xảy ra, ông Đoàn Thanh Tú làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định đã có những hành động không đúng mực khi tiếp xúc với dân.
Cán bộ đi vệ sinh khi bị…dân nhắc: ‘Nửa đùa, nửa thật’
Xung quanh xôn xao vụ một cán bộ bị dân nhắc nhở rồi cười khanh khách, ngày 27/10 ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Định trả lời báo chí cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định chỉ đạo, xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp ông Đoàn Thanh Tú – viên chức của Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở này và báo cáo UBND tỉnh.
Ông Đoàn Thanh Tú – viên chức của Văn phòng Đăng ký đất đai đã có thái độ tiếp dân không đúng chuẩn mực
“Sau khi xảy ra việc này, ông Tú cũng đã có giải trình nói rằng đó là do nửa đùa nửa thật. Tuy nhiên, thái độ ứng xử của ông Tú với người dân khi làm việc như vậy là không được.
Ở Văn phòng Đăng ký đất đai, ông Tú là một viên chức nhưng nhận thức cũng như suy nghĩ không được “tròn trịa” như những cán bộ khác”, ông Bình nói.
Về việc này, ông Lê Văn Tùng – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết đã yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tạm dừng công việc của ông Tú tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định, phân công cán bộ khác thay thế từ ngày 28/10.
Ông Lê Văn Tùng cho rằng, việc cử ông Đoàn Thanh Tú đến Trung tâm Phục vụ hành chính công để tiếp nhận hồ sơ xử lý công việc, Sở luôn mong muốn tạo hình ảnh thân thiện, gần gũi của cán bộ với người dân nhưng để xảy ra việc này là một sự cố đáng tiếc.
Trước đó, theo phản ánh của một người dân, sáng 24/10, người này đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định liên hệ làm việc với ông Đoàn Thanh Tú.
Dù đang có mặt tại quầy nhưng ông Tú có những hành động không đúng mực như: không đeo bảng tên, khi bị nhắc nhở thì bật đứng dậy, cười khanh khách và bảo: “Tôi bụng to, đang mắc buồn đi vệ sinh”, rồi bỏ đi.
Không những vậy, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, nhiều lần ông Tú không hướng dẫn các thủ tục cần thiết đúng quy định, khiến người dân, phải đi đi lại lại nhiều lần.
Xét theo hành vi của ông Tú với một số nguyên tắc trong văn hóa ứng xử mà cán bộ, công chức cần phải chấp hành. Những nguyên tắc này đã được đề cập đến trong các văn bản của Bộ Chính trị, Thủ tướng. Có thể nói là không thể chấp nhận được.
Đề án văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1847/QĐ-TTg. Đây là một trong những nội dung của Đề án này là chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, khi giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân.
Đặc biệt phải thực hiện “4 xin”, gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép. Việc thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc “4 xin” nêu trên thể hiện sự lịch sự, thái độ tôn trọng của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp khi tiếp xúc công việc.
Cũng theo Đề án văn hóa công vụ, bên cạnh luôn xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép, cán bộ, công chức, viên chức phải luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.
Cần xây dựng cách ứng xử của công chức “bốn xin”, “bốn luôn”
Dường như, “Nụ cười công sở” đóng vai trò quan trọng trong công tác cải cách hành chính. Nó thể hiện thái độ ân cần, niềm nở và sẵn lòng hỗ trợ nhân dân của cán bộ công chức, là chất “xúc tác” giúp cho các mối quan hệ giữa cán bộ công chức, và người dân, doanh nghiệp trở nên gần gũi, tốt đẹp, tạo nên không khí làm việc vui vẻ, hiệu quả.
“Bốn xin” và “bốn luôn” trong tờ trình đủ ngắn gọn để từng công chức có thể thuộc nằm lòng chỉ sau vài ba lần đọc qua. Tuy nhiên, học thuộc thì dễ nhưng thực hành lại không đơn giản chút nào.
Không chỉ ở Việt Nam, ứng xử của công chức cũng là vấn đề chung cho tất cả các quốc gia. Vì thế, có lẽ khi ban hành quy tắc này, chính quyền thành phố cũng không kỳ vọng mọi công chức của mình sẽ tuân thủ “bốn xin”, “bốn luôn” mọi lúc, mọi nơi, mà sẽ dựa vào đó nhằm ứng xử đúng mực hơn với người dân.
Luật quy định như vậy là tạo cơ hội cũng như ràng buộc trách nhiệm để lãnh đạo gặp gỡ, gần gũi dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề nảy sinh trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình. Lẽ ra, chuyện gần dân, đi sâu đi sát quần chúng nhân dân là đương nhiên đối với người đảng viên, người cán bộ cách mạng.
Điều lệ Đảng cũng đã quy định: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân…” (Khoản 3, điều 2, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam).
Gần nửa thế kỷ trước, chẳng cần phải chế tài bằng luật pháp, cán bộ, đảng viên vẫn tự giác đến với dân với phương châm 3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Trong con mắt người dân, cán bộ, đảng viên lúc đó thật gần gũi, giản dị mà tấm gương tiêu biểu nhất là lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Từ nhiều năm qua, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đã thường xuyên nhắc nhở cán bộ công chức khi tiếp dân phải niềm nở, biết cười. Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã lưu ý: “Chúng ta vẫn hay nói là chính quyền phục vụ mà đã là chính quyền phục vụ thì kể cả người dân nóng tính, có xưng hô thế nọ thế kia chúng ta cũng phải vui. Bây giờ phải tập đứng trước gương mà học cười”.
Tương tự, Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thì khuyến cáo “cán bộ công chức phải học cười, học cách hiểu và đồng cảm với dân. cán bộ công chức nào không biết cười, không đồng cảm với nhân dân thì dứt khoát cho nghỉ!”; Với thông điệp “Cười với dân là tôn trọng chính mình”, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã phát hành video đồ họa nhắc nhở công chức khi tiếp dân phải niềm nở, biết cười…
Thời quan lớn như “đèn giời soi xét” đang báo hiệu đã qua, nhất là từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết xây dựng một Chính phủ liêm chính và đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho tinh thần dân chủ. Những cán bộ như ông Tú vẫn còn thái độ “Tôi bụng to, đang mắc buồn đi vệ sinh”, thì không thể chấp nhận.
Con đường dài trước mắt là xây dựng cho được nền hành chính phục vụ, thực sự vì dân. Quá trình này không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều với vài văn bản hay quyết định. Cần một chiến lược tổng thể và những bước thực hiện cụ thể, trong đó cải cách tiền lương phải là một giải pháp then chốt.
Cho đến khi công chức vẫn chưa sống được vì lương thì rất khó cho họ trở thành công bộc của dân. Một công chức vẫn có thể luôn “bốn xin”, “bốn luôn” ngoài mặt, nhưng khi thật sự “vào cuộc”, người dân có thể vẫn sẽ phải vượt qua đến “tám cửa” do chính người ấy dựng lên.
Hồng Đinh