+
Aa
-
like
comment

Cảm ơn Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

24/10/2019 16:00

Thời gian chiến tranh, chúng ta đã được nghỉ nhiều như thế. Giờ  chỉ quy định 10 ngày/năm, như vậy phải chăng là phú quý giật lùi?
Chiều 23/10 vừa qua, các Đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến trái chiều trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), như tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung tăng giờ làm thêm tối đa, đề xuất giảm giờ làm việc và tăng ngày nghỉ lễ. Đáng chú ý, tại phiên thảo luận này đã có nhiều ý kiến tranh luận thể hiện quan điểm bảo vệ quyền lợi của người công nhân, lao động thật sự đang gây ấn tượng mạnh trong dư luận xã hội, nhất là giai/tầng công nhân, người lao động.

Nhiều hệ lụy xã hội của việc tăng giờ làm

quyet123
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận được nhiều ủng hộ từ dư luận nhất là đội ngũ công nhân và người lao động khi phát biểu về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Nhiều nghiên cứu cho thấy thời giờ làm việc kéo dài có ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe người lao động. Azizi Seixas, Trung tâm Y khoa NYU Langone, nhận định những người thường xuyên làm việc quá 40 tiếng mỗi tuần có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo nhà nghiên cứu Christian Benedict thuộc khoa Khoa học Thần kinh, Đại học Uppsala (Thụy Điển), làm việc quá nhiều có thể làm gia tăng các phản ứng chống stress và biểu hiện trầm cảm.

Theo nghiên cứu của Bannai và Tamakoshi (Nhật Bản), làm việc quá sức là cơ sở của hầu như tất cả các vấn đề về giấc ngủ và bệnh tim mạch vành. Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2012 về thời giờ làm việc và vấn đề an toàn sức khỏe nghề nghiệp đã khẳng định việc kéo dài thời gian làm việc ảnh hưởng tới nhịp sinh học của cơ thể và giấc ngủ cũng như cuộc sống gia đình và xã hội. Hậu quả bất lợi của giờ làm việc và lịch làm việc kéo dài có thể là cấp tính hoặc mãn tính và chủ yếu phản ánh việc gia tăng mức độ mệt mỏi và cần có thời gian nghỉ ngơi.

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu riêng biệt về vấn đề thời gian làm việc, nhất là làm thêm giờ với vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Y tế về kết quả khám sức khỏe định kỳ cho người lao động giai đoạn 2006 – 2016 cho thấy, chất lượng sức khỏe của người lao động ngày càng giảm sút. Số lao động có sức khỏe loại 1 giảm, loại 4, loại 5 tăng. Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ người lao động đạt sức khỏe loại 1 và loại 5 là 36,26% và 1,85% thì giai đoạn 2011- 2016, tỷ lệ này là 19,5 và 2,3%. Thống kê tình nghỉ ốm của công nhân lao động giai đoạn 2012-2016 cũng cho thấy, số ngày nghỉ ốm trung bình của người lao động năm 2017 là 2,75 ngày, tăng hơn 3 lần so với trung bình ngày nghỉ ốm giai đoạn 2012-2016. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều căn cứ khẳng định việc kéo dài thời gian làm việc có nguy cơ bị tai nạn cao hơn đặc biệt là vào cuối ca, gây tổn thất cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Vì thế, câu chuyện thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi là vấn đề lớn trong Bộ luật Lao động của tất cả các nước trên thế giới. Đây luôn là vấn đề được người lao động quan tâm nhất, không chỉ riêng Việt Nam chúng ta. Dẫn chứng từ nguồn số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra thì theo số liệu khảo sát của (ILO), hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Campuchia là 28 ngày; Brunei 15 ngày; Indonesia 16 ngày; Malaysia 13 ngày; Myanmar 14 ngày; Philippines 19 ngày; Singapore 11 ngày; Thái Lan 16 ngày; Lào 12 ngày; Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày…). Cảm ơn những tiếng nói vì quyền lợi của người công nhân, người lao động. Trước đó, Dự thảo Bộ luật Lao động trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đề xuất có thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hằng năm. Tuy nhiên, đề xuất này không được đại biểu đồng tình khi thảo luận tại Hội trường. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Bộ luật đã xin rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ và đề nghị “Giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ”.
Mặc dù vậy, quá trình lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về Dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Theo quy định của pháp luật, không phải doanh nghiệp nào cũng được phép tổ chức làm thêm giờ, những trường hợp được tổ chức làm thêm giờ tập trung vào những ngành như sản xuất, gia công xuất khẩu hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước; các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn..v..v.

Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lao động nắm rõ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bản chất của vấn đề ở đây là nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn lách luật tăng giờ làm bình thường,dựa  trên lý lẽ “tinh thần tự nguyện” của công nhân.
Góp ý về những nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân dẫn cuốn sách “Hạnh phúc của người Việt Nam” và nói: “Hạnh phúc của người Việt Nam lâu nay chúng ta nêu nhiều giá trị. Vừa qua có cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, kết quả điều tra cho thấy người Việt Nam mong muốn có thu nhập, nhà ở, việc làm. Nhưng có đến 95% mong muốn có gia đình hòa thuận; 73% mong con cháu tiến bộ. Nếu cứ làm việc 9-10 giờ/ngày quanh năm thì không có gia đình hạnh phúc đâu”.

Nhưng có lẽ, để lại cảm xúc nhất, ấn tượng nhất vẫn là những suy tư, trăn trở của Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khi những phát biểu của bà dường như đứng trên lập trường của giai/tầng công nhân để thấu hiểu từng ngõ ngách cuộc sống của người công nhân.

Riêng với cá nhân người viết cũng vậy, trước khi “lao động bằng ngòi bút” thì cũng từng trải qua đời sống công nhân và hiện cũng đang có những người thân, người quen làm công nhân ở các khu công nghiệp…nên ngay sau khi những phát biểu của nữ Đại biểu này, có người bạn đã gọi điện cho tôi nói thế này: Mày (chỉ tôi) nghe bà Quyết Tâm phát biểu gì chưa? Có định viết gì về những lời của bà ấy không? Lâu lắm rồi mới nghe được những phát biểu như trúng “tim gan” của tầng lớp công nhân, người lao động đó mày à!

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Việc công nhân cần làm thêm giờ vì tiền lương, thu nhập hiện nay thật sự không đủ trang trải cuộc sống. Hãy nhìn những đứa trẻ phải gửi về quê. Có người mẹ người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1, 2 năm chưa được về thăm con. Ông bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm. Những người lao động như thế, họ không cam chịu, không muốn làm gánh nặng của xã hội, phải đi tìm việc làm mà nói rằng họ tự nguyện để làm thêm quần quật suốt ngày…”.

Theo đó, “Đặt vấn đề vai trò của Quốc hội ở đây là gì, là làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, để họ vẫn có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình…Đại biểu phát biểu có nghĩ đến những quy định của Hiến pháp quy định quyền con người thế nào không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tình người với người lao động nữa” – Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói. Sắc lệnh 22/SL ngày 18/2/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thấy, số ngày nghỉ lễ, Tết có hưởng lương là 18 ngày/năm. Vậy nên có người đặt vấn đề thế này: Thời gian chiến tranh, chúng ta đã được nghỉ nhiều như thế. Giờ  chỉ quy định 10 ngày/năm, như vậy phải chăng là phú quý giật lùi?”

Điều này cũng có nghĩa, nếu phải làm việc với thời gian dài trong ngày, công nhân, người lao động sẽ bị “đánh cắp tuổi xuân”, sức lực bị vắt kiệt, thời gian sau đó từ 40 tuổi trở lên sức khoẻ không còn tốt nữa, cơ hội việc làm bị hạn chế. Lúc đó, nhiều vấn đề xã hội đặt ra những thách thức không đơn giản.
Tức là, nguồn gốc của việc tăng năng suất lao động là phải đổi mới công nghệ, giảm giờ làm, chứ không phải tăng giờ làm với giai/tầng công nhân và người lao động. Xin cảm ơn Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói riêng và nhiều Đại biểu khác đã nói lên tiếng lòng của công nhân!

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều