Cái khó của cơ chế đặc thù
Trong thời gian qua, nhiều tỉnh thành địa phương đã được Quốc hội cho phép sử dụng cơ chế đặc thù để quản lý và phát triển địa phương. Chính sách này được kỳ vọng sẽ là một cú hích để giúp cho các tỉnh thành trên cả nước bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của quốc gia và các vùng kinh tế trọng điểm.
Trước đó TP.HCM và Hà Nội là những tỉnh thành đầu tiên được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương của mình. Hiểu một cách đơn giản thì cơ chế đặc thù là những chủ trương, chính sách xoay quanh ba khía cạnh, bao gồm:
Thứ nhất, chính quyền địa phương sẽ được trao quyền nhiều hơn để quyết định một số vấn đề không thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.
Thứ hai là môi trường chính sách, pháp luật về đầu tư, thương mại tại địa phương đó sẽ có sự tự do, thông thoáng hơn, bớt đi các rào cản về giấy phép và thủ tục hành chính.
Thứ ba là địa phương có cơ chế đặc thù sẽ được miễn, giảm về thuế, thu ngân sách cho các nhóm đối tượng cụ thể hoặc hưởng các ưu đãi đặc biệt về tài chính như tỷ lệ điều tiết về ngân sách được nộp hay cấp cho và từ trung ương,…
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng chủ trương ban hành các văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa các quy định về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho từng địa phương. Đối với TP Hà Nội là Luật Thủ đô, còn đối với TP.HCM là Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Trong đó cho phép HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố; được quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí theo Luật Phí và lệ phí…
Mặc dù việc thí điểm thực thi cơ chế đặc thù là để nhằm tạo động lực phát triển cho từng địa phương. Tuy nhiên quá trình thực thi lại gặp không ít khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là việc áp dụng cơ chế được thực thi không đồng đều, có địa phương áp dụng, địa phương không. Lý giải về vấn đề này Chủ tịch Quốc hội giải thích do cơ chế này vẫn còn khá mới và hoang sơ nên cần thực hiện thí điểm cho một số địa phương có tiềm năng hoặc có khả năng phát triển trở thành đầu tàu khu vực, đồng thời tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác. Nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì sẽ thực hiện nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa.
Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước được áp dụng cơ chế đặc thù, chính quyền TP.HCM đã nghiêm túc thực hiện theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên sau 4 năm áp dụng cơ chế mới thì kết quả mà TP.HCM nhận được vẫn chưa xứng đáng với kỳ vọng ban đầu. Theo đó hầu hết các chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công đều chưa được thành phố tận dụng hợp lý. Trong khi nhiều vấn đề khác như đầu tư, thủ tục hành chính, giấy phép… chính quyền thành phố vẫn phải chủ động hỏi ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên các Bộ ngành lại yêu cầu thành phố phải tự xem xét theo quy định pháp luật chung mà không áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết 54 đã ban hành. Từ đó gây ra sự nhập nhằng và chồng chéo trong các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó đối với vấn đề về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM, theo như Nghị quyết 54 quy định cho TP.HCM chi không quá 1,8 lần. Tuy nhiên, hiện nay sau khi Nghị quyết 27 được ban hành thì một số thành phố như Hải Phòng, Cần Thơ đã áp dụng mức quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là 0,8 lần. Do đó nếu TP.HCM vẫn tiếp tục thực hiện theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 54 thì sẽ tạo ra một khoảng cách chênh lệch rất lớn về cơ chế tiền lương giữa các địa phương.
Để khắc phục tình trạng này, chính quyền TP.HCM đã chủ trương soạn thảo dự thảo Nghị quyết mới để trình Quốc hội tham vấn. Nghị quyết mới sẽ mang tính toàn diện hơn để giúp huy động nhiều nguồn lực hơn và góp phần làm giảm đi gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước khi dự thảo Nghị quyết mới của TP.HCM được thông qua thì địa phương này vẫn sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội đến hết ngày 31/12/2023. Trong khoảng thời gian này, Quốc hội sẽ tiếp tục phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết của chính quyền TP.HCM bao gồm hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc thông qua dự thảo Nghị quyết mới.
Điều này không chỉ giúp đảm bảo lợi ích chung cho sự phát triển kinh tế của TPHCM mà còn góp phần lan tỏa và nhân rộng những hiệu quả tích cực từ việc áp dụng chính sách, cơ chế đặc thù cho những địa phương khác.
Minh Thanh