Cái bẫy đằng sau chiêu trò “Thanh toán hàng hóa bằng đồng Pi”
Thông tin về một số cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng đồng Pi vừa qua lại một lần nữa làm xôn xao dư luận. Dù rằng tin này không mới, nhưng nhiều người vẫn bị rơi vào bẫy lừa đảo và tin rằng Pi có thể dùng để đổi lấy hàng hóa. Thậm chí, có người còn sẵn sàng bỏ tiền thật ra mua lấy mua để những đồng tiền ảo này!
Cái bẫy đằng sau của việc thúc đẩy thanh toán hàng hóa bằng đồng Pi
Nếu hôm nay người ta chấp nhận đổi một chiếc usb bằng 1 Pi, thì cũng có nghĩa 1 Pi lúc này sẽ tương đương với giá thị trường của một chiếc usb. Và nếu ngày hôm sau, nếu một chiếc xe bằng 1 Pi thì giá trị của nó càng tăng tích lũy. Việc gán đồng Pi với các món hàng hóa, với giá trị tăng dần, chính là cách mà các nhà tạo lập phía sau đẩy cho giá của đồng tiền ảo này đi lên. Khi giá đồng Pi đi lên sẽ khiến nó trở thành một sản phẩm đầu cơ và thu hút được dòng tiền đổ vào mua bán.
Người ta truyền tai nhau rằng, giá của đồng Pi đi lên, tất nhiên sẽ có lợi cho một số người, đặc biệt là những ai đã chịu khó check app, tích lũy đồng Pi suốt những năm qua. Tuy nhiên, bản chất đây là một cuộc chơi có tổng bằng 0, tức dòng tiền chảy vào thị trường sẽ không tạo ra thêm bất kỳ giá trị nào cho những người tham gia. Tiền của người tới sau chỉ đơn giản là sẽ phải trả cho người tới trước để đổi lấy đồng Pi, lợi nhuận trong tay của người này là mức lỗ trong túi của người kia.
Và đáng nói, bên thu được lợi nhuận nhiều nhất chính là các nhà tạo lập phía sau, do họ có thể thoải mái tạo ra bao nhiêu Pi tùy thích. Cũng có nghĩa, nếu để đồng Pi được chấp nhận thanh toán rộng rãi ở Việt Nam, thì một lượng tiền lớn trong dân sẽ chạy vào túi của một nhóm các nhà tạo lập. Không chỉ không tạo ra được giá trị thặng dư cho xã hội mà còn làm nhiều người mất trắng nếu một ngày nào đó đồng Pi bỗng dưng biến mất khỏi thị trường.
Cũng vì vậy, khi có thông tin một số cửa hàng tại TP.HCM chấp nhận thanh toán bằng đồng Pi, thì đại diện Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định, việc sử dụng tiền ảo làm phương thức thanh toán chính là vi phạm pháp luật.
Hiện nay các nhà phát hành Pi vẫn đang không ngừng hô hào rằng họ sẽ đưa Pi vào hệ thống thanh toán các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba, … Và khi đồng Pi có giá thì không còn miễn phí nữa, nên hãy nhanh tay mở app lên đào Pi. Nhưng thực tế, sẽ chẳng một chính phủ nào kể cả Mỹ cho phép một đồng tiền ảo chiếm ngôi đồng tiền pháp định quốc gia mình. Kể cả đồng Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số hoạt động theo nguyên lý nguồn mở và dẫn đầu trên thị trường tiền số cũng bị cấm dùng trong giao dịch.
Do đó, đồng tiền ảo Pi sẽ luôn bị giới hạn ở trong cộng đồng Pi Network của mình, các doanh nghiệp dù ở đâu đi nữa cũng sẽ không bao giờ chấp nhận sử dụng một đồng tiền ảo khi mà chính phủ của họ ngăn cấm điều này. Nên tiền ảo Pi cho đến tiền kỹ thuật số Bitcoin, Ethereum, … chỉ nên được nhìn nhận như một loại hàng hóa thuộc về niềm tin, mang nặng tính đầu cơ hơn là một loại tài sản dùng để dự trữ đầu tư dài hạn hay một đồng tiền thực sự.
Huy Hoàng