Cả năm chỉ có 1 người nộp lại quà tặng số tiền 3,6 triệu đồng là quá ít
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 có một trường hợp (ở Khánh Hòa) nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị với số tiền 3,6 triệu đồng. Trong lực lượng công an đã có 53 lượt cán bộ, chiến sĩ không nhận hối lộ với số tiền trên 58 triệu đồng.
Nguyên cục trưởng Cục Chống tham nhũng (nay là Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho rằng rất nhiều cán bộ, công chức đàng hoàng sẽ trả lại ngay quà tặng khi nhận không đúng quy định chứ không để đến mức nhận rồi nộp lại cơ quan, rồi báo cáo.
“Việc cả năm chỉ có một người nộp lại quà tặng là quá ít, cần phải xem xét, đánh giá lại thêm” – ông Đạt nói.
Vì sao ngại trả lại quà?
Theo ông Phạm Trọng Đạt nói việc tặng quà và nộp lại quà tặng đã được quy định cụ thể tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
“Việc chủ động tặng quà cho cán bộ đơn vị bao giờ cũng có động cơ, mục đích cụ thể. Khi đó bản chất của quà dù lớn hay nhỏ đều không phải là tình cảm mà chính là sự biến tướng của hành vi liên quan tham nhũng, tiêu cực, cụ thể là đưa hối lộ, nhận hối lộ” – ông khẳng định.
Còn đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – ủy viên Ủy ban Pháp luật – nói hiện nay việc đưa và nhận quà tặng diễn ra rất đa dạng, biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, đám cưới, tân gia… Việc này nhằm né tránh các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Người tặng quà thường nhằm mục đích để được giúp đỡ và thường lợi dụng các mối quan hệ sẵn có hoặc nhờ người khác liên hệ, dẫn dắt làm quen, đặt mối quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn hay người thân tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu phù hợp với nguyện vọng. Có những trường hợp tặng trang sức đắt tiền, ô tô, nhà cửa, tài trợ đi du lịch, du học…
Chính vì lẽ đó trong một số trường hợp, theo ông Hòa, người có chức vụ, quyền hạn khó có thể từ chối việc nhận quà tặng. Cũng có nhiều người khi nhận được quà tặng không đúng quy định đã yêu cầu người đưa quà tặng nhận lại. Nhưng khi người tặng không nhận lại, người có chức vụ, quyền hạn cũng không báo cáo.
“Có thể là vì giá trị quà tặng có thể lớn hoặc không lớn nhưng khi trả lại sợ dư luận phát hiện, làm ồn ào, hiểu sai, ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, cá nhân nên việc này không được báo cáo và nộp lại quà tặng”, ông Hòa nêu.
Cần cơ chế khuyến khích
Từ vấn đề này, theo ông Đạt, thời gian tới cần tuyên truyền, khuyến khích để cán bộ công chức nhận thức rõ trách nhiệm của việc không nhận quà tặng và nộp lại quà tặng trái quy định. Cùng với đó cần nhân rộng các điển hình nói không với tham nhũng, tiêu cực, quà tặng.
“Khi phát hiện những người nhận quà trái quy định nhưng cố tình không báo, không nộp lại cần xử lý nghiêm minh. Từ việc minh bạch, nhận thức pháp luật cao sẽ giúp vấn đề nộp lại quà tặng đạt kết quả tốt hơn” – ông Đạt nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần phải có cơ chế giám sát và khuyến khích người có chức vụ, quyền hạn nộp lại quà tặng. Người nộp lại quà tặng cần phải được tuyên dương, khen thưởng, thậm chí được hưởng tỉ lệ phần trăm của quà tặng sau khi đã báo cáo và nộp lại quà tặng. Người tặng quà không đúng quy định cũng phải chịu xử lý như bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có).
“Khi có cơ chế rõ ràng, tạo sự khuyến khích, khen thưởng sẽ giúp số cán bộ, công chức nộp lại quà tặng nhiều lên”, ông Hòa nói thêm.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết cán bộ ở Khánh Hòa nộp lại quà tặng trị giá 3,6 triệu đồng là ông T.V.P. – cựu hiệu trưởng một trường tiểu học ở Cam Ranh.
Tuy nhiên theo nguồn tin, không phải ông P. tự nguyện nộp lại quà tặng mà việc nộp lại quà này khi có đơn kiến nghị của công dân gửi cơ quan có thẩm quyền về việc vị hiệu trưởng nhận quà cáp không đúng quy định. Cuối năm 2023, UBND TP Cam Ranh có kết luận yêu cầu ông P. nộp lại quà tặng đã nêu. Ông P. đã bị kỷ luật giảm chức từ hiệu trưởng trường tiểu học sang làm hiệu phó một trường tiểu học và trung học cơ sở khác tại Cam Ranh.
Bích Ngân