+
Aa
-
like
comment

Cả đời cống hiến cho cách mạng

28/04/2020 08:52

Đó là bà Trần Thị Hồng Thắm, một cựu nữ biệt động Sài Gòn luôn giữ vững khí tiết trung kiên của người chiến sĩ cộng sản, dành cả đời cống hiến cho cách mạng

Ở tuổi 70, bà Trần Thị Hồng Thắm, cựu nữ biệt động Sài Gòn vẫn hăng say làm việc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ít ai biết, mỗi khi trời trở lạnh, toàn thân bà ê ẩm như có người lấy sống dao mà dần. Đó là hậu quả của những trận đòn thừa sống thiếu chết trong lao tù.

Nữ biệt động kiên cường

Bà Thắm cho biết hai bên gia đình nội, ngoại đều có người hy sinh thời kháng chiến chống Pháp. Năm lên 4 tuổi, bà đẫm nước mắt khi người cha tập kết ra Bắc. Trong câu chuyện, những ký ức về một thời lừng lẫy ập về.

Ngay trên mảnh đất quê hương kiên cường Bến Tre sau ngày đồng khởi, Thắm tích cực tham gia vào hoạt động văn nghệ của Đoàn Thanh niên xã rồi nhận thêm chân giao liên. Truyền thống gia đình, dòng máu cách mạng chảy tràn trong huyết quản, cô bé đến với cách mạng một cách tự nhiên như hơi thở của mình.

Năm 1967, lúc 17 tuổi, Thắm thoát ly và được cử lên Sài Gòn hoạt động tại Thành đoàn liên quận 2-4, tổ giao liên, vũ trang tuyên truyền. “Giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội, bên người tôi chỉ có chiếc giỏ đệm đựng mấy bộ quần áo cùng một bản lý lịch được làm mới hoàn toàn để che mắt quân thù” – bà nhớ lại.

Bà kể tiếp, ngày lên đường, bà được mẹ ôm vào lòng, lặng lẽ gạt nước mắt chia tay kèm lời dặn dò: “Theo cách mạng đến cùng, không được làm tủi vong linh ông bà, nhơ danh gia đình nghe con”.

Cả đời cống hiến cho cách mạng - Ảnh 1.
Bà Trần Thị Hồng Thắm (thứ hai từ trái qua) và lãnh đạo Hội Người cao tuổi TP HCM trong một sự kiện. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Người thay mặt tổ chức đón bà buổi đầu tiên tại Sài Gòn là nữ cán bộ Sáu Xuân, tên thật là Lê Thị Bạch Cát, lúc đó là giảng viên Trường Trung cấp Sư phạm TDTT trung ương, được phân công vào Nam chiến đấu. Bà Cát hy sinh tháng 5-1968 khi đang là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Lê Thị Riêng, chỉ huy một cánh quân tấn công khu vực Đề Thám – Cô Bắc – Cô Giang.

Tham gia cánh võ trang nội thành, cô gái trẻ Trần Thị Hồng Thắm và đồng đội thường phải mất mấy ngày mới lấy lại được sự bình tĩnh cần thiết sau mỗi đợt nhận nhiệm vụ ám sát những tên ác ôn có nợ máu với nhân dân. Tháng 5-1968, Thắm và một đồng đội (bà Huỳnh Bửu Lan, vợ của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền) bị bắt ngay tại khu vực nhà thờ Xóm Chiếu (quận 4) khi liên lạc với bộ đội chủ lực. Cả hai được đưa về đồn cảnh sát quận và màn chào hỏi cho từng người là 500 gậy ma trắc kèm đinh 5 phân đóng vào 10 đầu ngón tay. “Từ quận lên đến Nha Cảnh sát đô thành rồi Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, chuyển qua các nhà giam tư pháp rồi Thủ Đức, kể cả khi bị đưa về nhà giam Hố Nai (Biên Hòa) dành cho các tù binh, ở đâu các nữ biệt động cũng động viên nhau giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản, không khai báo điều gì gây bất lợi cho tổ chức, cho cách mạng; đồng thời vận động bạn tù đấu tranh chống chào cờ ba sọc, chống chiêu bài chia rẽ của kẻ thù” – bà Thắm khẳng khái.

Đầu năm 1969, Thắm và nhiều bạn tù như Nguyễn Thị Nghĩa (sau này là Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Mua bán TP HCM), Hải Anh, Bé Tư… gặp nhau ở nhà tù Quy Nhơn trước khi bị chuyển về lao Cần Thơ vào tháng 5-1972. Chín tháng sau, hơn 1.000 tù binh nữ được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Thắm tham dự lớp chỉnh huấn tại căn cứ, sau đó được phục hồi tư cách đảng viên (được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1968) và theo học lớp kế toán, bắt đầu một đoạn đời mới.

Duyên và nợ

Trong ngày trao trả tù binh tại Lộc Ninh, một nhóm phóng viên, quay phim của Xưởng phim Giải phóng cũng có mặt để ghi lại những thước phim lịch sử về sự kiện này. Như duyên nợ, chị Thắm và nhà quay phim Lê Văn Duy làm quen với nhau để rồi đầu năm 1974, họ làm đám cưới trong niềm vui của bạn bè, đồng chí trước khi chị chuyển công tác về làm kế toán tại Xưởng phim Giải phóng.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chị Thắm được cử đi học Trường Bổ túc Công nông 2 để bồi dưỡng kiến thức văn hóa. Năm 1979, tốt nghiệp cấp III, chị đăng ký học lớp dự bị đại học. Cùng thời gian này, đạo diễn Lê Văn Duy được cử đi tu nghiệp tại Liên Xô (cũ) và một bước ngoặt mới lại đến với chị. Phó Giám đốc Sở Thể dục – Thể thao TP HCM lúc bấy giờ là ông Lê Bửu khuyên chị chuyển ngành về Sở Thể dục – Thể thao, làm công tác Công đoàn rồi tổ chức… Năm năm làm nhân viên, 7 năm tiếp theo được tín nhiệm cương vị phó phòng rồi thêm 9 năm làm trưởng phòng tổ chức, năm 2001, bà được đề bạt chức vụ phó giám đốc, trở thành một trong số rất ít những nữ cán bộ chủ chốt đầu ngành Thể dục – Thể thao cấp tỉnh, thành của cả nước.

Trong khoảng thời gian làm công tác tổ chức, bà luôn chăm lo đến quyền lợi của cán bộ, nhân viên. Những VĐV đỉnh cao sau khi nghỉ thi đấu được bà tích cực can thiệp, cử đi học xong chương trình phổ thông và tiếp tục lên đại học, trở thành những cán bộ giỏi của thể thao TP sau này như Cao Ngọc Phương Trinh, Trần Quang Hạ, Nguyễn Đăng Khánh… Những chuyến đi công tác, tập huấn hay thi đấu nước ngoài, các HLV và VĐV TP luôn an tâm với mọi chế độ được đích thân bà Thắm lo lắng, chu toàn đầy đủ, mọi thủ tục giấy tờ đều suôn sẻ, chỉ cần xách hành lý lên đường.

Khi nhận cương vị phó giám đốc sở, bà vẫn luôn nhớ về thời kỳ TP cùng cả nước tích cực chuẩn bị đăng cai SEA Games 2003. Những buổi làm việc với Thành đoàn về tổ chức lực lượng tình nguyện viên giúp các đoàn quốc tế sau này đặc biệt ấn tượng về các “liaison officer” giỏi ngoại ngữ, thích thể thao và rất yêu mến quê hương Việt Nam.

Bà cũng tham gia tích cực vào công tác giải phóng mặt bằng ở những địa điểm tổ chức thi đấu SEA Games 2003 tại TP, đặc biệt là những gian nan, thách thức ở khu vực trường đua Phú Thọ, nơi sau này trở thành Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ khang trang, to đẹp, đến nay đã là một trong những biểu tượng của TP.

Tuổi cao, chí vẫn vững vàng

Về hưu năm 2006, bà Trần Thị Hồng Thắm vẫn tích cực làm việc. Được gia đình ủng hộ, bà tham gia mọi hoạt động xã hội, từ nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm CLB cán bộ hưu trí Sở Văn hóa – Thể thao, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi TP (thuộc Ủy ban MTTQ TP HCM), Phó Ban Liên lạc Cựu nữ tù chính trị tù binh TP cho đến vai trò Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến quận 1.

“Mỗi năm, chúng tôi tổ chức ít nhất một chuyến đi “Về nguồn”, thăm chiến trường xưa cho các cựu nữ tù chính trị, tù binh TP HCM để nhắc nhở mọi người không quên những năm tháng “gian lao mà anh dũng”, đóng góp trọn vẹn tuổi xuân cho hòa bình và thống nhất đất nước” – bà Thắm bộc bạch.

Đinh Long/NLD

Bài mới
Đọc nhiều