+
Aa
-
like
comment

BusinessWorld: Philippines đã sai ở đâu? Điều gì khiến Việt Nam đi đúng hướng?

Bảo Trâm - 09/03/2021 05:18

Trang BusinessWorld đã có bài viết với tiêu đề “Where did the Philippines go wrong? What did Vietnam do right?” (Philippines đã sai ở đâu? Điều gì khiến Việt Nam đi đúng hướng?) do chuyên gia kinh tế – nhà phân tích chính trị người Philippines Andrew J. Masigan viết để phân tích những thành tựu đáng nể của Việt Nam.

Sau đây, Cánh Cò xin được trích dẫn bài viết của ông Andrew J. Masigan như sau:

Theo số liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF về việc Việt Nam sẽ vượt Philippines về mức Thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2020. Việc này đến từ những động thái phòng chống dịch quyết liệt của Việt Nam, giúp giảm thiểu đáng kể những tác động kinh tế của đại dịch. Nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng 2.91% vào năm 2020, trong khi nền kinh tế Philippines thì giảm mạnh đến 9%.

Việc Việt Nam vượt Philippines là điều chắc chắn. Kể từ khi Việt Nam áp dụng chính sách Đổi Mới vào 1986 thì mức thu nhập bình quân đã tăng từ 200$ lên đến 3.500$. Từ một trong những nước nghèo nhất châu Á, mức trung bình của người Việt hiện nay đã giàu hơn mức trung bình của người Philippines.

Chuyện này tại sao lại xảy ra? Số phận của cả hai quốc gia là kết quả của 2 con đường phát triển khác nhau. Trong khi Việt Nam áp dụng chính sách Công nghiệp hóa nhanh chóng thì Philippines lại dựa vào dân số để thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc tiến hành những cải cách cần thiết để tạo thuận lợi cho môi trường sản xuất, còn Philippines lại chỉ thành công đc một chút.

Việt Nam áp dụng chính sách Công nghiệp hóa nhanh chóng thì Philippines lại dựa vào dân số để thúc đẩy tăng trưởng

Sự tụt hậu của ngôi sao kinh tế châu Á những năm 1960 này bắt đầu dưới sự lãnh đạo của Marcos. Trái ngược với lầm tưởng rằng những tháng ngày tốt đẹp nhất của đất nước là dưới thời Marcos, thì các số liệu đã cho thấy nền kinh tế bắt đầu giảm tốc và mất đi khả năng cạnh tranh dưới sự kiểm soát của Tổng thống chuyên quyền này. Trong thời kỳ “chế độ đạo tặc” của Marcos, các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân có khả năng sinh lợi và khả năng cạnh tranh đã bị “quốc hữu hóa” và chiếm đoạt cho các thân hữu. Trong số đó có những công ty sản xuất thép, xi măng, ô tô & phụ tùng ô tô, thiết bị điện tử nhẹ và xây dựng, cùng các công ty khác. Tất cả cuối cùng đã phải đóng cửa bởi sự quản lý yếu kém của đám thân hữu. Đó là thời điểm khả năng cạnh tranh của Philippines trong những ngành này bị mất đi.

Ông Marcos làm suy đồi các thể chế của Philippines bằng cách tiêm nhiễm thứ “văn hóa” tham nhũng mà nó vẫn còn phổ biến cho đến tận ngày nay. Ông ấy đã phá vỡ nền tài chính bằng cách tạo ra hàng tỷ đô la nợ từ hàng loạt các dự án không đóng góp được gì vào năng suất quốc gia. Marcos khiến cho 2 thế hệ người Philippines rơi vào cảnh đói nghèo.

Ông Marcos, người làm suy đồi các thể chế của Philippines bằng cách tiêm nhiễm thứ “văn hóa” tham nhũng mà nó vẫn còn phổ biến cho đến tận ngày nay

Vào thời điểm chế độ độc tài bị lật đổ năm 1986, nền kinh tế Philippines chỉ còn là một đống đổ nát. Các tiện ích công cộng thuộc sở hữu của nhà nước hoạt động không hiệu quả. Các tổ chức chính phủ cũng vận hành kém hiệu quả vì nạn tham nhũng. Các doanh nghiệp tư nhân mất khả năng cạnh tranh và phải vật lộn để tồn tại. Mọi thứ còn trầm trọng hơn do tình trạng bay vốn khổng lồ và khoản nợ nước ngoài không thể trả nổi.

Khi Tổng thống Cory Aquino lên nắm quyền, ưu tiên hàng đầu của bà là tái lập các thể chế dân chủ và bà đã thực sự hành động. Nhưng thật không may là cả Cory và tất cả các vị Tổng thống sau đó, kể cả Tổng thống Duterte, đều không thực hiện cam kết Công nghiệp hóa đất nước như Việt Nam đã làm.

Các nhà lãnh đạo của Philippines đều dựa vào dân số để thúc đẩy tăng trưởng. GMA dựa vào nguồn kiều hối nhân công xuất khẩu lao động để duy trì nền kinh tế. Liên minh PNoy thúc đẩy sự phát triển của ngành IT-BPO (ngành dịch vụ gia công quy trình kinh doanh-công nghệ thông tin) nhưng rồi sau này cũng trở thành một nguồn ngoại hối mới. Tổng thống Duterte phụ thuộc vào tiêu dùng hộ gia đình để chèo lái nền kinh tế.

Nền sản xuất của Philippines vẫn yếu ớt một cách nguy hiểm, mức độ xuất khẩu thấp hơn đáng kể so với sản lượng nhập khẩu

Mặc dù kinh tế Philippines tăng trưởng trung bình 5,3% từ 2000-2019, nhưng nền tảng của nó vẫn còn “nông cạn”. Nó “nông cạn” là bởi nền sản xuất của Philippines vẫn yếu ớt một cách nguy hiểm, mức độ xuất khẩu thấp hơn đáng kể so với sản lượng nhập khẩu đang ngày một tăng, sản lượng nông nghiệp chỉ ở mức tự cung tự cấp và ngành dịch vụ nhìn chung chỉ bao gồm các dịch vụ giá trị thấp (vd: các trung tâm chăm sóc khách hàng). Nền kinh tế của Philippines đơn giản chỉ là nền kinh tế tiêu dùng, không phải nền kinh tế sản xuất.

Ngược lại, Việt Nam chấp nhận công nghiệp hóa một cách hào hứng. Những năm đầu Đổi Mới (1986-1990), VN tìm cách đảm bảo an ninh lương thực. Để đạt được điều này, Việt Nam đã phân phối đất nông nghiệp và đưa ra các biện pháp khuyến khích mở rộng sản xuất. Thế độc quyền của nhà nước đối với thương mại quốc tế được phá bỏ, các doanh nghiệp tư nhân được phép xuất nhập khẩu. Người dân được phân phối lại đất nông nghiệp và được phép giữ lại phần sản lượng dư thừa vượt mức chỉ tiêu đề ra. Các vùng được khuyến khích gieo trồng các giống hợp với lợi thế, thổ nhưỡng của mình. Việc kiểm soát giá được gỡ bỏ. Những cải cách này là nền tảng của cuộc Cách mạng Nông nghiệp ở Việt Nam và là lý do ngày nay họ trở thành nước xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp.

Năm 1987, Chính phủ Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên nhằm thu hút vốn nước ngoài và phát triển lĩnh vực công nghiệp. Luật cho phép nước ngoài được sở hữu tài sản vật chất trong nước và mở cửa hầu hết các ngành công nghiệp, ngoại trừ một số ngành, cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Năm 1990, Luật doanh nghiệp tư nhân được ban hành. Cùng năm, Vịệt Nam cũng bắt đầu quá trình “tư nhân hóa” các doanh nghiệp nhà nước.

Với vốn liếng mới có được, nguồn thu từ thuế được san sẻ sang các khu vực kém phát triển hơn qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội. Thành quả là tỷ lệ nghèo đói ở nông thôn giảm đáng kể.

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã tìm cách trở thành trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu của khu vực. Năng suất không chỉ tăng lên trong các sản phẩm nông nghiệp mà còn cả ở lĩnh vực quần áo giày dép, cũng như các sản phẩm điện tử và công nghệ cao.

Tính đến 2019, kim ngạch Xuất khẩu của Việt Nam đạt 300 tỷ $, gấp 4 lần Philippines. Từ 2010-2019, VN đã thu hút được 112 tỷ $ đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trong khi Philippines chỉ thu được 57 tỷ $.

Làm cách nào mà Việt Nam lại trở thành điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia? Đó là sư kết hợp từ nhiều lý do. Đầu tiên, họ theo đuổi nhiều hiệp định thương mại tự do nhất có thể. Thuế quan được cắt giảm cho cả các hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam đã có các hiệp định thương mại và FTA với: ASEAN, Mỹ, WTO, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, CPTPP…

Tiếp theo, Việt Nam đầu tư rất lớn vào giáo dục tiểu học và chăm sóc sức khỏe. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng dần dần được tăng lên tới 8% tổng GDP. Gần đây, Việt Nam cũng đã đầu tư rất nhiều để hiện đại hóa cho xương sống của nền kỹ thuật số.

Cuối cùng là tạo điều kiện thuật lợi cho sản xuất. Bao gồm: giảm chi phí điện năng (rẻ hơn 43% so với ở Philippines), chế độ chính sách ổn định, phát triển chuỗi cung ứng thượng nguồn & hạ nguồn, và cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại như cảng biển và khu chế xuất. Ngoài ra, Luật Đầu tư nước ngoài 1997 cũng được sửa đổi rất nhiều lần để mức ưu đãi tài khóa hiện nay của Việt Nam là một trong những nơi hấp dẫn nhất trong khu vực.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao và Philippines sẽ khó bắt kịp nếu không chấp nhận Công nghiệp hóa. Và chúng ta có thể ngày càng bị tụt hậu xa hơn trong cuộc đua phát triển.

Bảo Trâm (Lược dịch theo BusinessWorld)

Bài mới
Đọc nhiều