+
Aa
-
like
comment

Bước tăng giá điện 25,94% khiến người dân “kêu”

06/03/2020 18:23

Các chuyên gia đồng tình với phương án biểu giá điện 5 bậc thang nhưng đề xuất cần xem xét giảm mức tăng giữa các bậc.


Đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành, vẫn đang được Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ này sẽ tổng hợp và hoàn chỉnh phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thời gian qua, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, biểu giá điện mới vẫn còn phức tạp; mức tăng của các bậc không hợp lý và đặc biệt có nhiều quan điểm lo ngại rằng, khi áp dụng biểu giá cải tiến này, mức giá điện sinh hoạt của người dân sẽ bị tăng cao, nhất là khi miền Bắc chuẩn bị bước vào thời điểm nắng nóng…

Tại buổi toạ đàm với chủ đề “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 6/3, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhận xét, phương án biểu giá điện 5 bậc do Bộ Công Thương đề xuất lần này là tương đối hợp lý.

chuyen gia thay buoc nhay bac cua bieu gia dien moi chua on hinh 1
GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam tại buổi tọa đàm.

Cụ thể ở biểu giá điện hiện hành, 2 bậc thang đầu từ 0 – 50kWh và từ 51 – 100kWh thực chất giá không chênh lệch nhau nhiều, cho nên nếu cứ để 2 bậc sẽ trở nên phức tạp nên cần gộp lại để có một mức giá trung bình. Mặt khác, theo đề xuất biểu giá điện mới, khung điện năng mà khách hàng phải trả giá cao nhất cũng đã được nâng lên. Trước kia khách hàng sử dụng trên 400 kWh đã phải trả giá điện cao nhất theo khung lũy tiến, nhưng với đề xuất biểu giá điện mới, mức giá điện cao nhất đã được nâng lên tới mức 700kWh.

“Phương án này phù hợp với thực tế tiêu thụ điện ở nước ta và phù hợp với mức độ tăng trưởng về nhu cầu sinh hoạt của dân chúng. Trong khi đó, đề xuất biểu giá điện mới cũng đảm bảo cho những khách hàng sử dụng dưới 700kWh/tháng nói chung trả tiền điện thấp hơn so với biểu giá hiện hành. Riêng khách hàng sử dụng trên 700kWh sẽ phải trả cao hơn là hợp lý”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long nhận xét.

Tuy nhiên, GS.VS.TSKH Trần Đình Long vẫn chưa đồng tình với bước nhảy giữa các bậc thang theo đề xuất của biểu giá điện mới. Vị này phân tích và đề nghị Bộ Công Thương, ngành điện cần phải nghiên cứu, xem xét lại bước nhảy giữa các bậc cho tốt hơn, không những có lợi cho người sử dụng điện mà cho cả các đơn vị điện lực cũng như sự phát triển chung của ngành điện.

Minh chứng từ kinh nghiệm quốc tế, GS.VS.TSKH Trần Đình Long cho rằng, nhiều quốc gia có hai cách thiết kế biểu giá bậc thang. Một là thiết kế làm sao để bước nhảy giữa các bậc tương đối đồng đều, bước sau cao hơn bước trước đúng bằng một khoảng cách nào đó. Cách thứ hai nếu muốn giá điện có tác dụng điều tiết mạnh hơn, nên thiết kế bước nhảy tăng dần, những người sử dụng điện ở những bậc thang sau phải trả giá nhiều hơn.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá thì cho rằng, đề xuất biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới đã gộp hai bậc từ 1 – 100kWh và từ 201 – 400kWh là hợp lý để đảm bảo cho tốc độ tăng về lượng sẽ tăng cao hơn về giá, tránh việc khi người dân sử dụng điện trong mùa nóng, mức tiền điện lại tăng đột biến.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tiến Thỏa cũng chỉ ra, trong đề xuất biểu giá điện mới vẫn còn 2 bước nhảy khá cao. Cụ thể là từ bước 2 so với bước 1, giá điện đã tăng thêm 19,95%; bước 2 so với bước 3 tăng 25,94% là vẫn giống với biểu giá cũ.

“Chính mức tăng 25,94% này mà trong kỳ điều chỉnh giá điện vừa qua (năm 2019) số tiền điện của các hộ sinh hoạt nhảy vọt và người dân “kêu” chính ở chỗ này. Chính vì vậy, Bộ Công Thương cũng như EVN cần rà soát lại chính xác tỷ trọng tiêu thụ điện của từng bậc một cho chính xác để đảm bảo giá điện bình quân”, TS. Nguyễn Tiến Thỏa khuyến cáo.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Tiến Thỏa cũng đề nghị, những vấn đề về chí phí giữa các bậc cần được tính toán làm sao để phản ánh sát chi phí để xây dựng các bước hợp lý hơn. Có thể giảm mức tăng ở hai bước nhảy như nói trên, nhưng tăng ở hai bậc cuối theo cách càng cao giá càng đắt, để tạo áp lực cũng như khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm.

chuyen gia thay buoc nhay bac cua bieu gia dien moi chua on hinh 2
TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), tất cả các phương án Bộ đưa ra đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung là các khách hàng sử dụng điện ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít đi.

Cụ thể, với phương án 1 bậc, 2 bậc và 3 bậc, các khách hàng sử dụng dưới 300 kWh/tháng (chiếm tỷ lệ 87% hộ sử dụng) sẽ bị thiệt, không thực hiện mục tiêu là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Đồng thời, ngân sách nhà nước cũng phải hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách bị tăng lên.

“Phương án 5 bậc giúp hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn. Đặc biệt là các hộ nghèo, chính sách tiếp tục được nhà nước hỗ trợ là khoảng 1,8 triệu hộ, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, với phương án này, các hộ khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700 kWh/tháng sẽ bị thiệt vào khoảng 0,46 triệu khách hàng (chiếm tỷ lệ 1,8% hộ tiêu dùng điện”, ông Tuấn nói.

Nguyễn Quỳnh/VOV

Bài mới
Đọc nhiều