+
Aa
-
like
comment

Bước đột phá mới trong tinh giản biên chế

Đỗ Mạnh - 15/12/2020 21:13

Mới đây, ngày 10/12/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả luôn là gánh nặng cho ngân sách nhà nước

Theo đó, Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Nghị định 143/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2020. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 143/2020/NĐ-CP là cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức). Trong đó có quy định rất cụ thể những trường hợp phải điều chỉnh bởi Nghị định 143/2020/NĐ-CP gồm  cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Những cán bộ chưa đạt được trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

– Những cán bộ có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

– Những cán bộ có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

– Những cán bộ có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

– Những cán bộ 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Theo tinh thần của Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, Nhà nước tạo điều kiện cho những đối tượng trên được lựa chọn một cách tự nguyện công việc và tương lai cho bản thân nhằm hướng tới những mục tiêu lớn hơn, cụ thể:

Tạo điều kiện cho người lao động có môi trường để học hỏi nâng cao trình độ, lựa chọn chuyên môn phù hợp với khả năng của bản thân mình để tiếp tục được phấn đấu cống hiến tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Những trường hợp người lao động chấp nhận sự phân công của tổ chức mà không có nguyện vọng thay đổi thì phải chấp nhận mức lương do nhà nước quy định theo công việc mới và mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí mới. Trong trường hợp người lao động muốn ra đi, đến những nơi mới phù hợp hơn thì đây là cơ sở pháp lý của Nhà nước tạo điều kiện cho người lao động ra đi một cách hợp pháp trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Mục đích sâu xa hơn mà Nghị định 143/2020/NĐ-CP hướng tới là từng bước nâng cao chất lượng làm việc của bộ máy nhà nước, bảo đảm một bộ máy tinh gọn và hiệu quả. Phát huy tối đa chuyên ngành được đạo tạo của người lao động vào các công việc người lao động đảm nhiệm, tránh tối đa việc bố trí cán bộ trái ngành, trái nghề đào tạo gây lãng phí trong xã hội.

Mặt khác, việc tinh giản biên chế theo nội dung của Nghị định 143/2020/NĐ-CP còn hướng tới một mục đích cao hơn, là giảm ngân sách cho những hoạt động bất hợp lý do sự nghịch lý của việc bố trí nhân sự mang lại. Để có được bộ máy nhà nước tinh gọn và hoạt động hiệu quả thì Nghị định 143/2020/NĐ-CP là cơ sở pháp lý giúp chính quyền các cấp rà soát lại bộ máy, tăng cường công tác tuyên truyền vận động người lao động thuộc diện điều chỉnh của Nghị định tự nguyện xin tinh giản. Đây cũng được xem là cơ hội cho những người lao động được lựa chọn những ngành nghề mới phù hợp với khả năng chuyên môn của bản thân để tiếp tục phấn đấu cống hiến tăng thu nhập cho bản thân và gia đình mà không bị ràng buộc bởi những hợp đồng lao động không phù hợp với khả năng và chuyên ngành đào tạo của bản thân.

Về mặt Nhà nước, Nghị định 143/2020/NĐ-CP sẽ giảm được những trường hợp sáng xách ô đi, tối cắp ô về và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tiến tới xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ hiệu quả và là công cụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều