+
Aa
-
like
comment

Bỗng dưng muốn khóc, khi không được xem là “người tiêu dùng” nữa!

Phạm Khoa - 20/02/2023 10:31

Trước giờ vẫn được xem là một trong hai chủ thể của khái niệm “người tiêu dùng”, nhưng mới đây, trong quá trình tiếp thu ý kiến xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), chủ thể “tổ chức” đã bị đề nghị lược bỏ, khiến người dân băn khoăn về tính bao quát của Luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều phối chương trình thảo luận về
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hiểu một cách đơn giản, trong trường hợp “tổ chức” không được xem là chủ thể, thì các trường học, bệnh viện, các trung tâm bảo trợ xã hội… sẽ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Từ đó, nếu có bất cứ sự vi phạm nào diễn ra như mua phải hàng gian, hàng giả, giá cả không minh bạch… thì các tổ chức này sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm sự bảo vệ từ Luật Bảo vệ người tiêu dùng, và các cơ quan thực thi pháp luật.

Thật ra, đây chỉ là một trong hai phương án được đưa ra thảo luận. Phương án thứ nhất vẫn tán thành giữ lại nội dung như từ trước đến nay của Luật. Nhưng phương án thứ hai lại dẫn chứng Báo cáo tổng kết thi hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, cho rằng trong suốt 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít; người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán, giải quyết tranh chấp…

Nêu ý kiến đối với vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm, việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và khá phổ biến đối với Việt Nam thì có nên không?”. Phát biểu cho thấy quan điểm ủng hộ giữ lại chủ thể “tổ chức” trong khái niệm “người tiêu dùng” của người đứng đầu Quốc hội.

Các ý kiến đồng tình giữ nguyên nội dung đối với khái niệm “người tiêu dùng” trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành cũng chia sẻ cùng băn khoăn với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thiết nghĩ, Luật nên đảm bảo tính bao quát, và bám sát thực tế đời sống – xã hội, tránh trường hợp hôm nay không đưa, mai mốt lại kiến nghị đưa vào, lúc nào cũng trong tình trạng không hoàn bị, dù đã mất rất nhiều thời gian, chi phí cho quá trình lấy ý kiến, thảo luận, và tổ chức thực hiện.

Mong rằng, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua (dự kiến trong kỳ họp thứ 5), quyền lợi của người dân sẽ được bảo vệ một cách hữu hiệu nhất, đúng như mục tiêu xây dựng một Bộ luật vừa tiệm cận với luật của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, vừa phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều