+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng LĐ-TB-XH phê bình Hà Nội chậm hỗ trợ người dân trong dịch Covid-19

14/07/2021 14:54

“Hà Nội triển khai Nghị quyết 68 là quá chậm, hết tháng 7 mới xong thủ tục hành chính là chậm rồi. Cần phải làm nhanh hơn nữa”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các địa phương đẩy nhanh thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi Covid-19 /// Ảnh MẠNH DŨNG
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các địa phương đẩy nhanh thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi Covid-19

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã thẳn thắn phê bình lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Hà Nội như trên tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng 14.7.

Đánh giá về tình hình tác động của dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới lao động và việc làm rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp 2,42%, tỷ lệ thiếu việc làm 2,6%. Riêng khu vực phi chính thức trên 60%. Lao động tự do bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những khu vực đô thị.

Đợt dịch lần thứ 4 đã khiến 130.000 lao động tỉnh Bắc Giang bị dừng việc. Trong 2 tuần qua, nhiều tỉnh, thành như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng chú ý, biến chủng mới đã xâm nhập vào “thành trì” quan trọng nhất, đó là khu vực công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sử dụng lao động lớn. Đây là khu vực cơ bản, chiếm 3,8/11 triệu lao động trực tiếp trong cả nước.

Trong bối cảnh trên, ông Dung cho rằng, việc Chính phủ triển khai Nghị quyết (NQ) 68 với gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hết sức có ý nghĩa.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Nơi làm ngay, nơi chờ hướng dẫn

Là địa bàn nóng nhất về dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, thành phố đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch với tổng kinh phí 886 tỉ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng.

“Dự kiến ngày 15.7, TP.HCM sẽ kết thúc chi trả cho 226.000 lao động tự do, đồng thời tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thành phố phải phong tỏa để chống dịch vẫn với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày. Những đối tượng còn lại của NQ 68 sẽ thực hiện quyết liệt, hoàn thành công tác hỗ trợ ngay trong tháng 7 này”, ông Tấn khẳng định.

Tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho hay ngày 13.7, địa phương này đã ban hành quyết định (QĐ) hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách cụ thể cho lao động tự do. Dự kiến dành khoảng 45 tỉ đồng hỗ trợ 30.000 lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng một người, chi trả một lần.

Sở LĐ-TB-XH Bà Rịa – Vũng Tàu cũng dự kiến, ngày 15.7, sẽ triển khai chính sách hỗ trợ trên 125.000 người được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 345 tỉ đồng. Riêng lao động tự do sẽ nhận 1,5 triệu đồng/người, nếu tiếp tục mất việc được thêm 1 triệu, song không quá 3,5 triệu đồng.

Trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân, thì Sở LĐ-TB-XH Hà Nội vẫn đang nghiên cứu thủ tục giấy tờ và đề nghị Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn.

Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho biết: “Sở LĐ-TB-XH đang đôn đốc các sở, ngành khẩn trương góp ý kiến để hoàn thiện quyết định, trình UBND TP.Hà Nội ban hành nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ tới các đối tượng thụ hưởng. Sở đang xây dựng dự thảo về đối tượng, điều kiện được hỗ trợ đối với lao động tự do, đồng thời đang nghiên cứu phương thức chi trả để đảm bảo theo đúng nguyên tắc tại NQ68 và QĐ23. Trong tháng 7 sẽ hoàn thiện quy trình để triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm thụ hưởng”. Bà Hương cũng đề nghị, Bộ LĐ-TB-XH sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Các địa phương đừng thêm thủ tục gì nữa”

Quá sốt ruột trước tiến độ thực hiện của Hà Nội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn phê bình: “Hà Nội triển khai NQ68 đến nay là quá chậm, hết tháng 7 mới triển khai xong thủ tục hành chính là chậm rồi. NQ68 và QĐ23 đều đã rõ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đều đã có hướng dẫn, Hà Nội phải chủ động triển khai. Tinh thần là Bộ không ban hành văn bản gì thêm, Hà Nội cần đeo bám nhanh hơn nữa, có hiệu quả hơn, nhất là trong tình hình Hà Nội đang tạm dừng một số dịch vụ để phòng chống dịch”.

Ông Dung cho biết, để ra được NQ68 và QĐ23, Bộ trưởng và các cục, vụ của Bộ LĐ-TB-XH phải “vắt chân lên cổ”, làm việc việc đến nửa đêm. “Các địa phương đừng chờ thêm thủ tục gì nữa, bớt thủ tục hành chính thì càng tốt, sau này chúng ta hậu kiểm sau”, ông Dung lưu ý.

Đối với việc triển khai NQ68 và QĐ23, ông Dung yêu cầu các địa phương phải khẩn trương làm trong tuần này, không thể chậm trễ hơn nữa.

“Tôi đề nghị các địa phương rà soát kiểm tra tình hình, đơn vị nào chậm trễ là có lỗi với dân, để xảy ra trục lợi là có tội với dân. Chúng ta không chỉ làm bằng trách nhiệm mà cần cả bằng tấm lòng”, ông Dung nhấn mạnh.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều