+
Aa
-
like
comment

Phải làm gì để nhận gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng sớm nhất?

12/07/2021 16:25

Tôi có đứa em gái đang mang thai, mấy tháng nay nghỉ việc do dịch Covid-19. Cách đây mấy hôm, nó gọi điện chia sẻ rằng, nó đang rất vui khi nhận được thông tin về gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên xen lẫn niềm vui sướng là nỗi lo lắng vì không biết mình có kịp được nhận hỗ trợ trong đợt này hay không?

Phụ nữ mang thai nghỉ việc hoặc không có trợ cấp sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 26 ngàn tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Hàng trăm ngàn người lao động thất nghiệp, cuộc sống mưu sinh chật vật, người nghèo vốn dĩ thu nhập bấp bênh nay càng lâm vào đường cùng khốn khó, nhiều doanh nghiệp nhỏ phá sản, một số ngấp nghé bên bờ vực. Thế nên, gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ của Chính phủ ở thời điểm này chính là cái phao cứu sinh cấp tốc và quý giá nhất. Em gái tôi cũng may mắn nằm trong số người nhận được “cái phao cứu sinh” ấy nên hối hả tìm hiểu thủ tục và chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ. Nhưng vấn đề phát sinh dở khóc dở cười nhất với em ấy và nhiều người dân thuộc nhóm đối tượng nhận trợ cấp là TPHCM đang thực hiện Chỉ thị 16 về việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra ngoài. Muốn lưu thông giữa các phường/quận phải có giấy xét nghiệm âm tính, chỉ ra ngoài khi có lý do chính đáng, thậm chí nhiều cơ quan làm việc liên quan đến giải quyết thủ tục đã đóng cửa. Thế nên, thật khó để yêu cầu người dân đang sống ở các tỉnh/thành phố đang có dịch, đang thực hiện giãn cách phải nộp đủ hồ sơ, giấy tờ cần thiết.

Tôi biết trách nhiệm của một bộ phận người dân là phải chứng minh họ thuộc nhóm đối tượng trợ cấp. Nhưng ở thời điểm có muôn vàn “rào cản” do dịch bệnh tạo ra thì tôi mong rằng chính quyền sẽ có giải pháp tạo điều kiện linh hoạt ở khâu thủ tục, đăng ký. Tất nhiên, em gái tôi và cả những người thuộc nhóm đối tượng nhận trợ cấp cũng sẽ có những trách nhiệm cần làm, đó là khai thông tin trung thực, cam kết thuộc nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ và sẽ bổ sung giấy tờ, thủ tục đầy đủ sau đó. Một biên bản cam kết như một tờ “giấy nợ” với chính quyền sẽ được trả khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn. Giả sử sau đó, những người đã nhận tiền không chứng minh được bản thân thuộc nhóm đối tượng nhận hỗ trợ thì sẽ nhanh chóng trả tiền cho Nhà nước. Nếu có hành vi gian dối, chiếm đoạt, trục lợi từ gói hỗ trợ thì hiển nhiên phải chịu trách nhiệm hình sự thôi. Tin rằng, mỗi người dân cam kết được những điều này với chính quyền thì rất nhanh chóng, chúng ta sẽ có một số tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong mùa dịch éo le này.

Lao động tự do gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ không dưới 1,5 triệu đồng/lần hoặc 50 nghìn đồng/ngày.

Xưa nay, với bất kỳ một gói hỗ trợ nào trách nhiệm của chính quyền mà còn người dân đều mong muốn chính quyền, các cơ quan, cán bộ trao tiền đúng đối tượng, kịp thời ứng cứu người dân khỏi “cơn khủng hoảng”. Nhưng dường như chúng ta cũng quên mất rằng, người nhận tiền hỗ trợ cũng có khả năng chủ động góp sức đẩy nhanh quá trình giải ngân gói hỗ trợ và ngăn chặn rủi ro. Vai trò, trách nhiệm của người nhận hỗ trợ đóng góp gần như 50% vào sự thành bại của việc triển khai gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, chắc chắn người lao động, người sử dụng lao động sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, đặc biệt là người lao động ở những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu suốt thời gian qua như du lịch, giao thông vận tải, hàng không, lao động tự do… Sự hỗ trợ nhanh, kịp thời của Nhà nước, của cộng đồng đến tay người dân là rất cần thiết vào thời điểm này. Nhưng muốn “cấp cứu” cấp tốc, muốn gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng được giải ngân nhanh, không phải trở thành câu chuyện “lên tivi nhận tiền” thì rất cần trách nhiệm song hành của chính quyền và người nhận hỗ trợ.

Đồng Lan 

Bài mới
Đọc nhiều