Bộ trưởng Công an: ‘Âm mưu phá hoại bầu cử rất lớn nhưng không làm gì được chúng ta’
Bộ trưởng Công an cho biết, âm mưu phá hoại bầu cử rất lớn, tiềm tàng, song cho đến nay không làm gì được chúng ta, chuyện phá hoại ở kỳ bầu cử này chủ yếu là chuyện lặt vặt, ít hơn nhiều so với kỳ trước.
Phá hoại bầu cử chủ yếu những chuyện lặt vặt
Sáng 18.5, Hội đầu Bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị sơ kết công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tới nay, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho ngày bầu cử (23.5) cơ bản được đảm bảo, “không có vấn đề gì phức tạp, mặc dù âm mưu, ý đồ phá hoại rất tiềm tàng, rất lớn nhưng cho đến giờ phải nói rằng không làm gì được chúng ta”.
Bộ trưởng Công an cho biết, theo phản ảnh của các địa phương về chuyện phá hoại bầu cử chủ yếu những chuyện lặt vặt, so với kỳ bầu cử nhiệm kỳ trước ít hơn rất nhiều. “Chủ yếu các đối tượng như Đà Nẵng phản ánh là say rượu hay tâm thần”, ông Lâm nói.
Ông Lâm thông tin, lực lượng công an đã được triển khai bảo đảm an ninh, trật tự cho công tác bầu cử. “Mỗi điểm bầu cử đều có một cán cán bộ công an, vừa bảo vệ, đảm bảo chấp hành đúng quy định pháp luật, đặc biệt là ngày trọng điểm 23.5”, Bộ trưởng cho hay.
Theo ông Lâm, hiện nay cũng xuất hiện một vài điểm có “nguy cơ” (về an ninh, trật tự), có hiện tượng vận động cử tri không đi bầu cử. “Tôi đề nghị ủy ban bầu cử các địa phương cố gắng nắm chắc chỗ này. Nếu không chủ động trước phương án thì đúng đến ngày bầu cử sẽ lúng túng”, ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết, số các “điểm nóng” hiện không nhiều và vừa qua, lực lượng công an cũng đã phối hợp địa phương giải tỏa những điểm nóng khiếu kiện, liên quan đến tôn giáo. Tuy nhiên, ông Lâm đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia có hướng dẫn chung, vì nếu chỉ ghi một câu là giám sát, kiểm tra và chịu trách nhiệm chung thì rất khó triển khai.
Bộ trưởng Công an cũng cho rằng, ngày 23.5 là rất quan trọng nên rất dễ sơ hở, dẫn đến việc vi phạm quy định bầu cử.
“Thậm chí có thể có những nơi muốn thành tích, muốn làm nhanh, cho 1 người đại diện bỏ phiếu cho cả gia đình hay đi bỏ phiếu tập thể… rồi người dân giám sát, báo chí vào thì sẽ có những điểm vi phạm về bầu cử”, ông Lâm cảnh báo, và đề nghị các địa phương cần chấp hành đúng quy định pháp luật, vì nếu làm ẩu, vi phạm luật thì ảnh hưởng chung đến ngày bầu cử của cả nước.
Tăng cường lực lượng ở những điểm nóng, nguy cơ
Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề cập vấn đề các thế lực thù địch lợi dụng khiếu kiện kích động lôi kéo cử tri không đi bầu cử, và đề nghị các địa phương lường trước các tình huống có thể xảy ra, hoặc có cách nào đó yên lòng cử tri trước ngày bầu cử.
“Kẻ xấu có thể kích động lôi kéo người dân, tạo tình huống rồi livestream thì rất phức tạp. Bộ Thông tin – Truyền thông có thể ngăn chặn (trên mạng internet) nhưng nếu ngăn chặn từ gốc thì tốt hơn nhiều”, ông Bảo nói.
Thông tin về công tác đảm bảo an ninh trật tự, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng quân sự kết hợp với dân quân tự vệ, tổ chức chính trị xã hội, giúp cùng với công an để đảm bảo công tác an ninh, trật tự, an toàn cho ngày bầu cử.
“Mỗi tổ bầu cử 1 công an thì dân quân 2 người để chúng ta đảm bảo”, ông Giang nói, đồng thời kiến nghị cũng phải tính toán phương án an toàn, tăng cường lực lượng ở những điểm có nguy cơ mất an trật tự. “Nếu không, chỉ cần sơ sẩy ở 1 vài điểm bầu cử một vài trăm cử tri đi bầu thôi, đẩy lên trên mạng thì ngày hội non sông sẽ không được trọn vẹn”, ông Giang nói.
“Kể cả trên biên giới, chúng tôi tăng cường các lực lượng để bảo vệ biên giới, tăng cường lực lượng tuần tra. Và không chỉ tuần tra 1 lần mà nhiều lần, nhiều tầng; sử dụng lực lượng của các quân khu, quân chủng, đơn vị đứng chân trên địa bàn, chứ không chỉ riêng lực lượng biên phòng”, ông Giang nói.
Hùng Anh