+
Aa
-
like
comment

Bỏ quy định cấp, đổi GPLX khỏi Luật Giao thông đường bộ

24/10/2020 16:46

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trình Quốc hội không còn quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi GPLX.

Đây là điểm mới đáng chú ý trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Dự thảo luật được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội chiều 24/10.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 qua hơn 10 năm thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, cần được xem xét để xây dựng luật thay thế.

Không quy định về đăng ký biển số, cấp GPLX

So với Luật GTĐB năm 2008, Bộ trưởng GTVT cho biết luật sửa đổi có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự thảo Luật GTĐB sửa đổi không còn quy định về việc cấp, thu hồi GPLX. Ảnh: Hải Quân.

Như vậy, phạm vi điều chỉnh hiện nay của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chỉ bao gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

“Quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không còn được quy định trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi”, tư lệnh ngành giao thông nêu rõ.

Trong nội dung quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, luật sửa đổi có điểm mới là bổ sung quy định ôtô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng.

“Đây là quy định mới thể hiện tính nhân văn của luật sửa đổi trong việc bảo vệ người yếu thế (trẻ em) tham gia giao thông”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Cùng với đó, luật lần này bổ sung quy định phương tiện giao thông công nghệ mới, đa tính năng, phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận an toàn kỹ thuật chung và khí thải. Việc này nhằm kiểm soát được các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

chuyen tham quyen cap GPLX tu Bo GTVT sang Bo Cong a anh 2
Quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ cũng không được quy định trong Luật GTĐB sửa đổi. Ảnh: Hồng Quang.

Đặc biệt, luật sửa đổi bổ sung quy định xe cơ giới phải đáp ứng mức khí thải theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; quy định về môtô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định về lộ trình của Chính phủ.

Theo cơ quan soạn thảo, đây là những chính sách cụ thể hơn so với Luật GTĐB 2008 nhằm bảo vệ quyền được sống trong môi trường ít phát thải ô nhiễm, giảm thiểu các tác động về môi trường của phương tiện tham gia giao thông.

Đề nghị không chuyển thẩm quyền đào tạo, cấp GPLX

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Quốc phòng An ninh tán thành với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật GTĐB (sửa đổi).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết có ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật này để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất; đồng thời, không chuyển thẩm quyền quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

chuyen tham quyen cap GPLX tu Bo GTVT sang Bo Cong a anh 3
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Hải Quân.

Song, ở góc độ của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi Luật GTĐB 2008 theo hướng tách thành hai luật riêng biệt.

Một là Luật GTĐB sửa đổi do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo. Hai là Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Ngoài ra, Ủy ban Quốc phòng An ninh góp ý về quy định sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện. Một số ý kiến cho rằng quy định người điều khiển phương tiện dừng xe, đỗ xe tại gầm cầu vượt, cầu cạn dễ gây cháy nổ do xăng, dầu của xe sẽ làm hư hại, thậm chí còn gây sập cầu. Có ý kiến nhất trí như dự thảo Luật về sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc không nên quy định việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn, cầu vượt để trông, giữ phương tiện GTĐB nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn.

Ủy ban này cũng tán thành quy định trong dự thảo luật về tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị từ 16% đến 26%, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Hoài Thu/ZN

Bài mới
Đọc nhiều