Bộ Nội vụ sẽ sửa quy định ‘cấm cán bộ, công chức hẹn gặp, tiếp dân tại nhà’
Bộ Nội vụ sẽ sửa lại quy định ‘cấm cán bộ, công chức hẹn gặp, tiếp dân tại nhà’ theo hướng làm rõ hành vi này với mục đích giải quyết việc công vụ; còn các mối quan hệ dân sự ngoài giờ làm việc, ngoài trụ sở là bình thường.
TS. Nguyễn Huyền Hạnh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước (thành viên ban soạn thảo, tổ trưởng tổ biên tập dự thảo Nghị định Ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ) cho biết, sáng 25/5, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm tra dự thảo này.
Tránh hẹn gặp riêng để tiêu cực, nhũng nhiễu
Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị quy định rõ thêm một số điểm của dự thảo, trong đó có nội dung liên quan đến việc cán bộ, công chức, viên chức “chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị; không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng”.
Theo bà Hạnh, quy định này không phải bây giờ mới có mà trước đây đã có quy định rõ “cán bộ, công chức, viên chức tiếp người dân, làm việc với người dân phải thực hiện tại trụ sở làm việc”. Luật Tiếp công dân đã quy định rất rõ việc này.
Các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng cho rằng về mặt bản chất hành vi trong quy định này không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi có nhiều ý kiến góp ý, ban soạn thảo cũng cần tiếp thu và chỉnh lý để thể hiện về mặt câu chữ cho chặt chẽ và rõ nghĩa.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước nhấn mạnh, ở đây là chỉ quy định “không hẹn người dân giải quyết công việc công vụ tại nhà riêng, ngoài giờ”.
Thẩm định của Bộ Tư pháp cũng đề nghị ghi rõ là “không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng để giải quyết công việc của cơ quan”.
“Tức là giải quyết việc công vụ thì không được tiếp ở nhà, không được tiếp ngoài trụ sở làm việc. Còn các mối quan hệ dân sự, gặp gỡ trao đổi của cán bộ, công chức, viên chức ngoài giờ làm việc, ngoài trụ sở làm việc là bình thường”, bà Hạnh lý giải.
Bà Hạnh cũng khẳng định, việc dự thảo quy định như vậy nhằm tránh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức hẹn gặp riêng người dân để giải quyết các thủ tục, giấy tờ (lẽ ra phải được thực hiện tại trụ sở làm việc). Việc này là để ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu.
Thêm quy định về giao tiếp ứng xử trên mạng xã hội
Ngoài ra, bà Hạnh cũng cho biết, tại cuộc họp thẩm tra ngày 25/5, nhiều ý kiến đã đề nghị và bàn luận sôi nổi việc cần quy định một điều về “giao tiếp ứng xử trên mạng xã hội”. Đây là vấn đề liên quan và gần gũi đến hầu hết cán bộ, công chức, viên chức.
Từ góp ý này, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung thêm một điều quy định riêng về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trên mạng xã hội và internet. Chẳng hạn như quy định việc không được đăng tải, chia sẻ, comment những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực. Việc này cũng nhằm giữ gìn hình ảnh của người cán bộ, công chức.
Liên quan đến ý kiến đề xuất cần quy định “cán bộ, công chức, viên chức không được sử dụng mạng xã hội làm việc riêng trong giờ làm việc như mua hàng online, nghe nhạc, chơi game,…”, bà Hạnh cho biết, dự thảo luật này quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức “không giải quyết việc riêng trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng dưới mọi hình thức tại nơi làm việc”. Trong quy định này đã hàm ý “không được lên mạng xã hội làm những việc riêng” không liên quan đến hoạt động công vụ.
Theo bà Hạnh, dự thảo lần trước đi sâu vào quy định chi tiết, liệt kê các hành vi cụ thể nhưng “càng cụ thể thì lại càng thiếu”.
Do đó, lần này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu chỉ quy định khung, ngắn gọn, chặt chẽ, không quy định cụ thể, đi sâu vào liệt kê các hành vi như lần trước. Còn việc triển khai thực hiện là do bộ ngành, địa phương cụ thể hóa.
Dự thảo lần này đi vào 3 nội dung chính quy định về: Chuẩn mực đạo đức; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bà Hạnh cho biết, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ chế tài xử lý những vi phạm đạo đức công vụ. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã có điều quy định xử lý những vi phạm về đạo đức với từng mức một. Cho nên nghị định này chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, các vi phạm tùy tính chất, mức độ sẽ có hình thức xử lý theo Nghị định 112.
“Bộ trưởng rất đau đáu trước vấn đề đạo đức công vụ, tham ô, tham nhũng, hành vi lệch chuẩn trong đội ngũ của cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu cần có một văn bản để làm cơ sở pháp lý, làm khung cho cán bộ công chức, viên chức noi theo, thực hiện theo.
Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Qua đó góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính, phục vụ Nhân dân”, bà Hạnh cho hay.
Từ các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu, chỉnh lý lại dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Hạ Băng