Bổ nhiệm người nhà, ‘cánh hẩu’ gây bức xúc dư luận
Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thông tin trên được Bộ Nội vụ đưa ra khi trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 8. Cụ thể, cử tri tỉnh An Giang kiến nghị, trong báo cáo về công tác cán bộ của các ngành, các cấp thực hiện đúng quy trình, đảm bảo lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, trình độ… Tuy nhiên, hiện nay có trường hợp sắp xếp, bố trí cán bộ chưa phù hợp, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của một bộ phận công chức làm công tác cán bộ, từ đó có nhiều cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật…làm mất lòng tin trong nhân dân.
Cử tri đề nghị các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thực hiện quy trình tổ chức cán bộ.
Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ cho biết, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đánh giá: Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp uỷ các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc.
Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực.
Từ đó, Nghị quyết cũng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ;
Đồng thời ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ; đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Bộ Nội vụ cho biết, đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật với nhiều nội dung đổi mới trong công tác tuyển dụng, đánh giá, kỷ luật…
Bộ Nội vụ đang triển khai xây dựng các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành những nội dung được giao trong Luật; đồng thời cũng giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thực hiện.
“Nội dung trong dự thảo các Nghị định tập trung vào các quy định liên quan đến công tác cán bộ, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức; kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước…
Dự thảo các Nghị định đang được lấy ý kiến rộng rãi bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp ý để hoàn thiện các Nghị định trình Chính phủ ban hành, bảo đảm thời gian có hiệu lực cùng với thời gian có hiệu lực của Luật từ 1/7”, Bộ Nội vụ giải đáp.
Luân Dũng/TP