+
Aa
-
like
comment

Bỏ đốt vàng mã – Nếp sống văn minh cho một tương lai xanh

09/02/2024 14:13

Ngày 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt vàng mã tràn lan, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường.

Ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 6.000 tấn vàng mã, tương ứng với khoảng 5.800 tỷ đồng.

Lãng phí quá lớn

Lời kêu gọi của Thủ tướng mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc đốt vàng mã tràn lan trong các dịp lễ Tết đã trở thành một vấn đề nhức nhối, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Dù không phủ nhận đốt vàng mã là một phong tục, tập quán có từ lâu đời, đóng một vai trò nhất định trong đời sống tinh thần ở Việt Nam, nhưng nó đã gây ra những sự lãng phí không cần thiết. Ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 6.000 tấn vàng mã, tương ứng với khoảng 5.800 tỷ đồng.

Các công ty sản xuất vàng mã lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Nếu mỗi người Việt giảm đi một nửa chi phí mua, đốt vàng mã, xã hội đã có thể có thểm gần 3.000 tỷ đồng để phát triển hệ thống giáo dục, y tế tốt hơn. Những trường học, thư viện, bệnh viện hay công viên có thể hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống, mang lại một giá trị xanh và bền vững cho tương lai.

Chưa kể, việc sản xuất và tiêu thụ (đốt) vàng mã cũng đã tiêu tốn một lượng lớn nước, giấy, nứa, mực in và cả than, gỗ, xăng… Những tài nguyên quý giá lại đang bị biến thành tro bụi theo đúng nghĩa đen.

Rồi chính những tro bụi đó lại quay ngược lại vẩn đục môi trường sống của chính chúng ta. Ngoài khói bụi, chủ yếu là khí CO₂ và CO, đốt vàng mã còn giải phóng những hóa chất độc hại khác trong mực in, ảnh hưởng lớn chất sức khỏe của chúng ta, chưa kể đến vấn đề xử lý rác thải từ đốt vàng mã.

Trong khi Việt Nam đang cố gắng từng ngày vì mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 để ứng phó biến đổi khí hậu, việc đốt vàng mã tràn lan đang đi ngược lại tất cả những mục tiêu cao cả đó.

Lục đục xóm làng vì vàng mã

Không chỉ tác động nghiêm trọng đến môi trường, đốt vàng mã còn mang lại những vấn đề xã hội đáng bàn. Chuyện cãi cọ, thậm chí đánh nhau vì nhà này đốt vàng mã bay khói sang nhà bên không phải là hiếm. Vấn đề này lại càng đau đầu ơ các chung cư, chuyện giành nhau cái lư đồng chung để đốt vàng mã đôi khi làm náo loạn cả một khu chung cư cả nghìn người ở.

Ngay cả trong nội bộ gia đình, cũng đã có những xung đột, bất hòa do khác biệt về quan điểm, tư duy về đốt vàng mã. Rốt cục, hàng xóm to tiếng với nhau, cha mẹ cãi vã, con cái cự cãi, cũng chỉ vì cái lư đồng đốt vàng mã, liệu có đáng không?

Từng có nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vì đốt vàng mã.

Nhưng lục đục xóm làng chưa đáng sợ bằng nguy cơ cháy nổ. Nhiều năm quả, những vụ việc cháy nhà vì đốt vàng mã đã khiến nhiều gia đình tan nát, mất người thân. Có những vụ việc cả gia đình chết tức tưởi ngay trước Tết vì đốt vàng mã. Những cảnh tượng đau lòng ấy khiến nhiều người cám cảnh…

Cần thiết vì một xã hội xanh và bền vững

Việc hạn chế đốt vàng mã tràn lan là một việc làm thiết thực, cần thiết để xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Lời kêu gọi của Thủ tướng là một bước quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Mỗi người dân hãy hãy chung tay góp sức để thực hiện hiệu quả lời kêu gọi này.

Tất nhiên, thay đổi một tập tục có cả nghìn đời không thể một sớm một chiều. Nhưng ít nhất, mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ rằng mỗi tấm vàng mã ấy có thể là một cuốn sách, quyển vở cho các em học sinh, là một cây xanh cho công viên ngày mai.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều