+
Aa
-
like
comment

Bộ Chính trị: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu

28/03/2020 10:00

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể /// Ảnh Ngọc Thắng
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế

Theo đó, Bộ chính trị đánh giá, sau 15 năm thực hiện nghị quyết, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho các thành viên; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn chế như tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Việc thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo luật Hợp tác xã năm 2012 còn nhiều vướng mắc.

Phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ của hệ thống chính trị

Để tiếp tục thực hiện nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng…), kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.

Ngoài ra, Bộ Chính trị yêu cầu củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng ngành kế hoạch và đầu tư thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ T.Ư đến địa phương.

Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thành lập, phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác và củng cố, đổi mới tổ chức hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Xem xét ban hành nghị quyết T.Ư mới về phát triển kinh tế tập thể

Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ Chính trị yêu cầu các nội dung, yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải được thể hiện trong nghị quyết đại hội đảng các cấp và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đồng thời nghiên cứu tiêu chí làm cơ sở giao biên chế, xây dựng chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc tại hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; tổng kết 20 năm thực hiện nghị quyết và 10 năm thi hành luật Hợp tác xã, trình Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XIII xem xét, ban hành nghị quyết T.Ư mới về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể.

Bài mới
Đọc nhiều