+
Aa
-
like
comment

Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975: Không có nghĩa hát thoải mái

23/12/2020 14:10

Nghị định số 144 quy định các hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nhiều quy định mới cởi mở như bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, tuy nhiên cắt giảm thủ tục tiền kiểm không có nghĩa buông lỏng để nghệ sĩ “thích làm gì thì làm”.

Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12 Quy định về hoạt động nghệ thuật, có hiệu lực từ 1/2/2021, thay thế các Nghị định 79, Nghị định 15 về biểu diễn nghệ thuật trước đó. Trong số các điều cắt giảm có việc bỏ quy định quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975, hoặc ca khúc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài.

“Việc bỏ quy định cấp phép ca khúc trước năm 1975, hoặc ca khúc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài là động thái tích cực của nhà quản lý về văn hóa, nhất là trong vấn đề hòa giải dân tộc. Tuy nhiên tôi nghĩ việc bỏ cấp phép này chỉ ở phạm vi quản lý thôi, người sử dụng, nghệ sĩ, nhà tổ chức sản xuất và tổ chức biểu diễn phải nâng cao ý thức, nâng cao trách nhiệm”, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói.

Nhiều người hy vọng với Nghị định mới, nhiều ca khúc trước 1975 sẽ được “gỡ” khỏi danh mục cấm? “Dưới góc độ nhà lí luận phê bình và tổ chức biểu diễn, tôi nghĩ rằng trong số những ca khúc trước 1975 có những bài phù hợp để phổ biến. Chẳng hạn “Con đường xưa em đi” là tâm trạng chung của người lính, những ca khúc chỉ về tâm tư người lính, gắn với tình yêu đôi lứa hay tình cảm quê hương đơn thuần nên được phổ biến. Tuy nhiên có những ca khúc có nội dung liên quan chính trị, quân ngũ nghệ sĩ phải có ý thức tìm hiểu và có trách nhiệm khi sử dụng”, nhạc sĩ Quang Long nói.

Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975: Không có nghĩa hát thoải mái - ảnh 1
Những ca khúc nói về tình yêu đôi lứa, tình cảm quê hương sẽ được phổ biến không cần cấp phép. “Con đường xưa em đi” từng dính lùm xùm bị cấm vĩnh viễn .

Nhà phê bình Nguyễn Quang Long phân tích, quy định mới tưởng là dễ nhưng nghệ sĩ nếu không tỉnh táo sẽ vướng vi phạm và bị xử lý. Bỏ quy định và thủ tục tiền kiểm nhưng nhà quản lý nêu cao tinh thần hậu kiểm. “Tôi nghĩ rằng những ca khúc đáp ứng nhu cầu của công chúng, có tác dụng tích cực cho cộng đồng trong giai đoạn hiện nay được chấp nhận. Đó cũng là sứ mệnh của nghệ thuật”, nhà phê bình Quang Long nói.

Nghị định 144 cũng đưa ra những quy định cấm tại Điều 3: 1. Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. 3. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. 4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Bỏ tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói rằng việc cắt giảm một số thủ tục hành chính và quy định cấp phép tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển, tạo không gian sáng tạo cho nghệ sĩ.

Đối với tác phẩm âm nhạc và sân khấu, các tác giả có quyền công bố tác phẩm, nhưng khi vi phạm điều 3 về những điều cấm sẽ bị xử lý. “Sự thay đổi này cho thấy bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục NTBD nói.

Nguyên Khánh/TP

Bài mới
Đọc nhiều