Bỏ biên chế suốt đời – Quyết định sáng suốt của Quốc hội
Vừa qua, với 88,2% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức được thông qua. Luật có nhiều điểm mới. đáng chú ý, để chấn chỉnh tránh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã chính thức “bỏ biên chế suốt đời”.
Đã có người đặt câu hỏi nghi ngờ, liệu rằng có đúng 30% cán bộ, viên chức không làm được việc, đủng đỉnh, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về hay không. Vì sao càng tinh giảm biên chế càng phình to. Vì sao biết rõ, ai là người ở con số 30% ấy mà phải chấp nhận để họ đứng trong tổ chức, Nhà nước vẫn phải lấy tiền thuế của dân để trả lương cho họ, nuôi họ suốt đời. Thực tiễn đã chỉ ra rằng có con số ấy, thậm chí là còn lớn hơn. Nó thể hiện ở chuyện: Không hiếm cán bộ cơ quan công quyền hành dân, nhũng nhiễu dân và doanh nghiệp; không hiếm cán bộ bỏ nhiệm sở, gác lại chuyện tiếp công dân để nghỉ mát, dong chơi hoặc la cà cà phê, thuốc nước trong giờ hành chính; không hiếm cán bộ khi bị xử lý vi phạm ngụy biện rằng làm theo chỉ đạo, nhận thức kém, không có năng lực; không hiếm chuyện nhiều người tìm mọi cách chạy biên chế, chạy đủ thứ để giữ chỗ hoặc giữ ghế để vơ vét bù lại khoản vật chất đã đầu tư.
Hiện tượng tham nhũng tiêu cực nảy sinh từ đây. Những bất ổn xã hội cũng nảy sinh từ đây. Thắc mắc, nghi ngờ của người dân trong công tác cán bộ, niềm tin của họ về chất lượng đội ngũ cán bộ, về việc thực thi pháp luật bị giảm sút cũng là từ đây.
Người dân có quyền đặt câu hỏi: Vì sao họ phải tốn công, mất của để nuôi một bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả, không phục vụ được cho xã hội cho dân? Vì đâu đã được gọi là người nhà nước thì dù họ không chịu làm, hoặc làm không tốt cũng không bao giờ sợ bị thôi việc, ra khỏi biên chế, ra khỏi bộ máy.
Người dân yêu cầu cần có cơ chế xử lý vấn đề này. Cần có những quy định chỉ rõ mặt, vạch rõ tên những người lợi dụng vị trí của mình, lợi dụng khoảng trống, sự bất cập của pháp luật mà chây ỳ kéo lùi sự phát triển, tác động xấu đến môi trường xã hội, đến cuộc sống của người dân.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức, không phủ nhận Luật đã góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ công chức theo hướng nâng cao năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và phục vụ nhân dân. Nhưng rõ ràng đến lúc phải nhìn nhận lại, phải thay đổi một số chế định của Luật đang gây nhiều khó khăn, thâm chí là tiêu cực trong công tác quản lý và sử dụng công chức gây nhiều phản ứng trong dư luận xã hội.
Kết thúc một kỳ họp, lại là kỳ họp cuối năm, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng, thông qua 11 dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Với điểm mới là từ 1/7/2020 sẽ thực hiện bỏ biên chế suốt đời, viên chức suốt đời. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức được kỳ vọng sẽ chấm dứt cảnh công chức, viên chức chây ỳ, ngại đổi mới, chấm dứt tình trạng cán bộ dựa vào biên chế mà thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức xã hội. Chấm dứt sự mất công bằng, mất bình đẳng trong việc lựa chọn con người, lựa chọn cán bộ. Chấm dứt cảnh nhiều người dân mới nuôi được một cán bộ nhà nước.
Chấm dứt những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế bất cấp trong công tác cán bộ thời gian qua. Đây cũng điểm mới được coi là giải pháp tăng tính cạnh tranh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo nghị quyết 26, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ góp phần làm cho đất nước phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.