Bỏ biên chế suốt đời, bỏ luôn tư duy “tầm gửi”
Bỏ biên chế suốt đời cũng là bỏ tư duy “tầm gửi” cố hữu
Trước thông tin sẽ bắt đầu bỏ biên chế suốt đời với viên chức từ ngày 1/7/2020, nhiều luồng ý kiến trái chiều được đưa ra. Hầu hết mọi người đều cho rằng việc bỏ biên chế thay thế hoàn toàn bằng hợp đồng có thời hạn là vô cùng hợp lý, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Người tài, người có năng lực sẽ được trọng dụng và trả công xứng đáng. Tuy vậy vẫn còn nhiều băn khoăn, liệu rằng quyền lợi của những viên chức có nhiều thâm niên gắn bó với cơ quan, tổ chức có được đảm bảo?
Chính sách “bỏ biên chế suốt đời” là một bước tiến quan trọng, thúc đẩy việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công dần đứng ra tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mặt tài chính. Không chỉ vậy, chính sách này cũng là một bước đi quan trọng trong việc phát triển công tác quản lý, cải cách hành chính nhà nước. Theo chính sách này, viên chức sẽ sống bằng chính sản phẩm họ tạo ra dựa trên vị trí công việc. Người nào làm được nhiều, chất lượng sản phẩm cao sẽ được trả lương cao và ngược lại. Nhờ đó mà tinh thần phục vụ, trách nhiệm với công việc của giới công, viên chức được nâng cao.
Đồng thời cũng góp phần đập tan tư tưởng ì ạch là cứ vào nhà nước là an nhiên “ngồi mát” chờ đến ngày về hưu hưởng thụ đến cuối đời. Cùng với đó tư duy “tầm gửi” cố hữu bấy lâu nay cũng theo đó được thanh lọc trong bộ máy.
Bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là thiết thực
Tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998 và Điều 89 của Luật Giáo dục 2005 đã quy định rõ về chính sách sinh viên sư phạm không phải nộp học phí. Chính sách này cho biết: Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí.
Tuy vậy chính sách này bắt đầu thay đổi ở Luật giáo dục năm 2019 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Điều 85 của Luật giáo dục 2019 đã quy định rõ học sinh, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ tiền học phí, sinh hoạt trong suốt thời gian học. Tuy vậy, nếu sau hai năm kể từ khi tốt nghiệp, người được hỗ trợ chi phí không còn công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ chi phí cho Nhà nước. Được biết thời hạn hoàn trả tối đa bằng đúng thời gian tham gia chương trình đào tạo sư phạm.
Theo Bộ GDĐT, chính sách miễn giảm học phí đã góp phần thu hút sinh viên đăng ký vào ngành sư phạm. Điều này tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho nền giáo dục của nước nhà.
Tuy vậy, ngoài việc có nguồn nhân lực dồi dào cho nền giáo dục, chính sách này cũng tác động không nhỏ đến việc bị định hướng sai nghề nghiệp. Nhiều sinh viên tuy không thực sự phù hợp với ngành nhưng vì được miễn giảm học phí nên vẫn quyết định theo học trường sư phạm. Vấn đề chất lượng sinh viên ngành sư phạm bắt đầu được đưa ra. Liệu những sinh viên này có thực sự phù hợp với yêu cầu của ngành hay không? Đó cũng là lý do nhiều năm qua sinh viên sư phạm không hề lọt vào miền chọn nghề tối ưu theo mô hình hướng nghiệp hiện đại.
Không chỉ vậy, hiện nay chúng ta cũng không có phương pháp nào để quản lý được sinh viên đã được hưởng chính sách miễn học phí. Theo Luật Giáo dục 2019 thì để được hưởng chính sách miễn học phí, sinh viên đã ra trường phải cam kết sẽ phục vụ trong ngành giáo dục. Sau hai năm nếu chuyển sang ngành khác phải hoàn trả toàn bộ chi phí được nhận hỗ trợ từ Nhà nước trong thời gian theo học tại trường sư phạm. Tuy vậy, thực tế cho thấy, trong quá trình thực thi chính sách này, không có bất kỳ đơn vị nào đứng ra giám sát xem liệu sinh viên sau ra trường có thực hiện đúng cam kết hay không. Điều này thể hiện sự lỏng lẻo trong công tác quản lý cũng như là thực thi chính sách. Đồng thời cũng dẫn tới hệ lụy gây phí phạm ngân sách Nhà nước và bất công bằng đối với những sinh viên đang theo học ngành nghề khác.
Trên thực tế, nguồn kinh phí Nhà nước phải chi trả cho Chính sách miễn giảm học phí với sinh viên sư phạm là không hề nhỏ. Tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc phải làm trái ngành lại càng tăng cao. Điều này gây lãng phí không nhỏ đến nguồn ngân sách của Nhà nước.
Nếu đã có thể nhìn nhận là lãng phí thì nên điều chỉnh một cách phù hợp, để người được hưởng chính sách có trách nhiệm với đồng tiền của Nhà nước bỏ ra. Chúng ta không thể để họ mãi có lối sống “kí sinh”, ỷ lại, vô trách nhiệm, đè nặng lên chất lượng của toàn bộ hệ thống giáo dục và nguồn ngân sách của nước nhà.
Có thể nói, trong thời buổi kinh tế hội nhập, từng bước đi lên phát triển, cần loại bỏ những tư duy cũ, tư duy bao cấp không còn phù hợp nữa. Phải như thế đất nước mới ngày một giàu mạnh, có thể sánh vai với bốn bể năm châu, vươn tầm thế giới được.
Những tác động tích cực từ chính sách mới
Thứ nhất, những chính sách này được áp dụng vào thực tế sẽ là cách khuyến khích, thu hút người lao động, người tài, người có năng lực, giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám, giảm gánh nặng tài chính cho cơ sở giáo dục (ngành sư phạm). Chính sách mới này chính là tin vui cho những người có năng lực thực sự, góp phần sàng lọc những kẻ yếu kém ra khỏi bộ máy cơ quan, những người học. Và hơn thế nữa là tạo môi trường kinh tế – xã hội thực sự, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện, dân giàu, nước mạnh.
Thứ hai, là bước đi thay đổi quan trọng trong phương thức quản lý nhà nước nói chung. Không chỉ vậy, Chính sách này cũng tạo cơ hội linh hoạt cho cả người lao động và sử dụng lao động. Người lao động có năng lực có quyền chọn những cơ quan lớn, trả lương cao hơn. Đồng thời, những đơn vị có mức ưu đãi, đãi ngộ tốt hơn cũng thu hút được nhiều người tài hơn. Điều này cũng thúc đẩy người lao động không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, tay nghề, kĩ năng, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng với nhu cầu ngày càng hoàn thiện hơn của các đơn vị, doanh nghiệp.
Thứ ba, chính sách không chỉ tạo sự linh hoạt trong thị trường người lao động và đập tan sự trì trệ vốn vẫn tồn tại bấy lâu nay tâm lý của sinh viên theo học ngành sư phạm. Người lao động muốn có một thu nhập như nào thì phải bỏ ra một công sức tương xứng. Người học ngành sư phạm sẽ có trách nhiệm hơn với học phí mình phải đóng góp. Năng suất lao động nhờ đó mà tăng cao, vị trí việc làm được xác lập, thang đo đánh giá mức độ hoàn thành công việc trên vị trí đó cũng được hình thành.
Bên cạnh đó, các cơ sở sư phạm có sự chủ động hơn trong vấn đề tự chủ tài chính. Đây cũng là cơ sở để đảm bảo nguồn thu nhập cao, ổn định cho công chức, viên chức tham gia công tác giảng dạy.
Có lo ngại lạm quyền trong đánh giá viên chức?
Liên quan đến lo ngại thủ trưởng cơ quan lạm quyền, việc công lẫn việc tư sa thải người lao động. Nhà nước sẽ có những cơ chế, công cụ chặt chẽ để giám sát thị trường người lao động và người sử dụng lao động. Quá trình này sẽ thay đổi theo lộ trình cụ thể, từng bước một chứ không phải trong ngày một ngày hai là xong. Luật cũng sẽ quy định rõ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Để xem xét mức độ hoàn thành công việc, cần đặt ra những tiêu chí chuẩn xác để đánh giá. Từ đó có thể quyết định ký kết tiếp hợp đồng trong thời gian tới. Công việc thì phải xuất phát từ vị trí việc làm. Sau đó từng cơ quan, tổ chức phải tự xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc để từ đó căn cứ trả lương theo vị trí cũng như là hiệu quả công việc.
Trước việc đảm bảo công bằng trong việc ký hợp đồng và sử dụng lao động, pháp luật nhà nước đã nâng mức thời hạn hợp đồng tối đa từ 36 tháng lên tới 60 tháng. Hơn thế nữa, trong luật mới cũng quy định rõ, đối với trường hợp người lao động vẫn còn nhu cầu về vị trí công việc, mà viên chức đó lại được đánh giá trong thời gian trước là hoàn thành tốt công việc thì phải tiếp tục được ký hợp đồng. Chủ các đơn vị không có quyền chấm dứt hợp đồng với viên chức đó để tuyển nhân sự mới. Như vậy quyền lợi của viên chức có năng lực hoàn toàn được đảm bảo.
Do vậy chỉ cần là người có năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì không cần phải lo lắng đến việc không được trả lương xứng đáng và không được gia hạn hợp đồng hay đuổi việc không có lý do minh bạch. Các chính sách về bỏ biên chế suốt đời, bỏ miễn giảm học phí sinh viên sư phạm có nhiều tác động tích cực thiết thực. Đặc biệt điều này giúp loại bỏ tư duy “tầm gửi” của một bộ phận người Việt.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả