+
Aa
-
like
comment

Bỏ biên chế dài hạn người khóc kẻ cười

Đỗ Mạnh - 29/06/2020 18:05

Kể từ ngày 1/7/2020 Luật Cán bộ và viên chức sửa đổi thì hợp đồng không xác định thời hạn chỉ còn áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Sự thay đổi mang tính bước ngoạt này không biết nên mừng hay nên lo? Những người chăm chỉ làm ăn, yêu lao động thì rất mừng vì từ nay họ không còn phải nhìn thấy và tị nạnh với  những người sáng cắp ô đi tối cắp ô về, đi làm và lĩnh lương vì được nhà nước bao cấp. Tôi còn nhớ ở cơ quan tôi vào những năm 2005, có bác có học hàm tiến sĩ hẳn hoi, lại học nước ngoài về mà đến cơ quan thì chỉ chơi cờ caro từ sáng sớm cho đến 5 giờ thì tắt máy tính đi về. Với bậc lương chuyên viên cao cấp bậc 3 ông thuộc hàng nhận lương cao nhất cơ quan. Cuối năm bầu bán thì tuy chả đạt được danh hiệu thi đua gì nhưng cũng chả ai dám phê bình kiểm điểm. Ai dại mồm phê phán thì ông ấy lớn tiếng mắng nhà nước trả lương cho tôi chứ tôi có lĩnh lương của mấy người đâu mà nói. Quả đúng vậy ông là tiến sỹ, chả biết trình độ của ông đến đâu nhưng khi lãnh đạo giao cho sọan công văn để trả lời một vấn đề nào đó thì ông ấy nói với lãnh đạo công việc ấy không phải của tôi mà học vị của tôi không phải để làm việc đó. Một vài lần như thế thành quen, các sếp giao công việc cho ông ấy cũng ngại bèn chơi bài lảng cứ để cho ông ấy ngồi chơi xơi nước chờ về hưu. Cứ như thế thay mấy đời sếp mà chả ai dám giao việc cho ông ấy. Và đương nhiên ông ấy ngồi chơi xơi nước gần 10 năm trời rồi về hưu với mức lương cao ngất.

Tất nhiên ông ấy không phải là trường hợp cá biệt, còn nhiều những trường hợp khác thì cũng chỉ làm quấy quá suốt ngày soi mói bọn trẻ và đòi chế độ dù chẳng làm gì. Các sếp thì cũng là người làm công ăn lương nên nói nhiều họ không nghe cũng chán đành xếp họ vào dạng khó bảo. Tất cả bọn họ sống nhờ vào biên chế nhà nước. có biên chế là họ có lương, không phải lo cạy cục kiếm sống. Biên chế nhà nước làm chỗ dựa cho phần không nhỏ những viên chức có tư tưởng dựa dẫm ỉ lại. Các em sinh viên, học sinh các trường dạy nghề vì thế cũng ước ao khi học xong chạy chọt, nhờ vả với mong muốn để có một suất biên chế là khỏi lo. Thế là người người lo biên chế, nhà nhà lo biên chế, người ta bằng mọi cách chạy để được vào biên chế. Với tư tưởng như vậy có nhà bỏ ra cả hàng trăm triệu đồng để chạy cho con em, cho con mình có được suất biên chế. Với tư duy như vậy, biên chế nhà nước như một cái phao cứu sinh và là niềm tự hào của các gia đình khi con em họ được tuyển vào biên chế nhà nước. Tất cả đã có nhà nước lo, nguồn ngân sách èo uột hàng năm như dòng sữa ngọt nuôi sống một số lượng lớn nhưng công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Biên chế nhà nước ngày ngày càng phình to ra. Nó giống hệt cái sổ gạo thời bao cấp, cứ có sổ là có gạo, chả làm gì thì hàng tháng cũng có gạo để sống, gạo trở thành thứ lương thực chính cho mỗi gia đình thời đó.

Chắc hẳn chúng ta chẳng ai quên năm 1985 của thế kỉ trước, khi chính sách giá lương tiền được Đảng và Chính phủ khởi xướng. Nhiều gia đình lo là không hiểu cuộc sống sẽ như thế nào khi không còn sổ gạo, họ sẽ phải làm gì để kiếm sống. Chính sách mới tuy ban đầu nhiều bỡ ngỡ nhưng chỉ sau một thời gian thực hiện xóa bỏ bao cấp về lương thực xã hội không những không có ai chết đói mà ngày một khá lên. Chính sách ngăn sông cấm chợ bị bãi bỏ chính là động lực làm cho nền kinh tế dần dần chuyển theo hướng thị trường. Khẩu hiệu hãy tự cứu mình trước khi trời cứu vì vậy mà như một khẩu hiệu hành động. Các cụ nói quả không sai, đói thì đầu gối phải bò, trong trường hợp này quả là rất đúng. Cả xã hội không còn bao cấp đã bắt đầu hành động, người người bắt tay vào làm việc, nhà nhà làm việc và cả xã hội làm việc. Động lực đó đã làm cho Việt Nam thay đổi hàng ngày một cách năng động. Kết quả là sau mấy năm xóa bỏ bao cấp về lương thực, chúng ta không những không có ai bị bỏ đói mà còn dư gạo để phục vụ xuất khẩu. Các ngành khác cũng vì thế mà có động lực phát triển theo. Kinh tế phát triển giúp chúng ta nhận ra một điều, chính nền kinh tế bao cấp, sự ngăn song cấm chợ chính  là thủ phạm bóp nghẹt sự phát triển của xã hội.

Thời gian gần đây Đảng và nhà nước có chủ trương chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Các doanh nghiệp tư nhân đã thu hút hàng triệu lao động vào làm việc, giảm đáng kể áp lực tìm việc cho xã hội. Một lực lượng không nhỏ những người lao động như được cởi trói, họ mạnh bạo từ bỏ biên chế nhà nước để tự cứu mình. Ai có máu kinh doanh thì thành lập doanh nghiêp tư nhân, mở các dịch vụ mà xã hội đang có nhu cầu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2019, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 17.000 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và 21.000 DN quy mô vừa. Con số này mặc dù còn quá khiêm tốn so với tổng số 750.000 doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế hiện nay ở Việt Nam, nhưng đây là minh chứng cho một quy luật tất yếu để nền kinh tế nước ta phát triển theo hướng thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.  Cũng từ năm 1985 đến nay Đảng và Nhà nước cũng đã nhiều lần thực hiện chính sách giảm biên chế, những đợt giảm biên chế này đã góp phần làm cho ngân sách giảm được phần nào gánh nặng . Tuy nhiên số lượng biên chế vẫn còn là lực lượng đông đảo và là cứu cánh cho rất nhiều người. Theo Quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,  tổng biên chế công chức năm 2020 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 253.517 biên chế. Trong số này, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 251.135 biên chế. Trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 108.368 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có 142.767 biên chế.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.068 biên chế. Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 628 biên chế.  Mặc dù liên tục thực hiện chính sách giảm biên chế nhưng rõ rràng là số lượng này hàng năm vẫn còn nhiều  mà nói thẳng ra rằng cho đến nay chúng ta vẫn chưa đạt được kì vọng.  Số lượng viên chức còn quá nhiều và hàng năm đội ngũ này đã hút một lượng lớn ngân sách của nhà nước.

Vậy nếu kể từ ngày 1/7/2020 Luật Cán bộ và viên chức sửa đổi được thực thi thì rõ ràng đây là cơ sở cho các cơ quan doanh nghiệp xây dựng lại chiến lược sử dụng con người. Những người có tài, có tâm, có đức sẽ được trọng dụng, những người lười biếng, có tư tưởng ỉ lại chắc chắn sẽ bị loại bỏ . Và mỗi người lao động trong xã hội sẽ xác định cho mình một định hướng học và chọn nghề phù hợp nhất để tự phát triển. Ngân sách nhà nước không phải là vô hạn, không phải là nguồn tự nhiên sinh ra mà ai muốn dùng bao nhiêu thì dùng. Ngân sách là tiền thuế do nhân dân đóng góp mà có được. Nguồn tiền này được dùng phục vụ cho các cơ quan công quyền nhà nước. Bộ máy này hoạt động càng hiệu quả thì ngân sách nhà nước càng đỡ bị gánh nặng. Việc xác định những đối tượng được tiếp tục được biên chế dài hạn cũng sẽ góp phần loại bỏ những tư tưởng ỉ lại, tư tưởng bằng mọi cách để chạy chọt, nhờ vả để trở thành viên chức.

Ngày nay kinh tế tư nhân phát triển, tiền nuôi bộ máy là tiền của những ông chủ, vì vậy họ sẽ có những quy định ngặt nghèo để kiểm soát chất lượng công việc của lao động. Những trường hợp sáng cắp ô đi tối cắp ô về sẽ bị loại bỏ. Những người lao động có đầu óc sáng tạo sẽ được trọng dụng.

Chúng ta hi vọng Luật Cán bộ và viên chức sửa đổi áp dụng từ 1/7/2020 sẽ được xã hội chấp nhận một cách  tích cực tạo động lực cho xã hội phát triển, đưa Việt Nam ngày càng phát triển để tiến kịp và vượt các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều