Bloomberg: Việt Nam có thể trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á
Trang Bloomberg vừa có bài viết với tiêu đề “Vietnam Could Be Asia’s Next Startup Hub” (Việt Nam có thể trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á), với nhận định lĩnh vực khởi nghiệp của Việt Nam đang trên đà phát triển và có thể trở thành trung tâm công nghệ tiếp theo của Châu Á.
Ông Bình Trần, nhà đồng sáng lập của Quỹ đầu tư mạo hiểm (AVV), đã chia sẻ với Bloomberg rằng, quỹ đầu từ AVV đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam, tổng số tiền đầu tư tăng từ 48 triệu USD năm 2017 lên tới 2,1 tỷ USD năm 2021. Ông cũng là nhà đồng sáng lập của công ty phân tích dữ liệu xã hội Klout Inc.
Ông nói rằng:” Đầu tư vào công ty khởi nghiệp là lĩnh vực đang thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại Thung lũng Silicon như quỹ đầu tư Goodwater Capital LLC, Accel Partners LP và Altos Ventures Management Inc.
Bên cạnh đó, ông còn là nhà đồng sáng lập và là đối tác chung của quỹ 500 Startups Việt Nam, được gọi là “500 Global Vietnam”. Quỹ này đã đầu tư vào khoảng 70 công ty trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech và chăm sóc sức khoẻ.
Theo Bloomberg, Việt Nam được dự báo sẽ có nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2030, theo nghiên cứu của Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co.
Trích dẫn ý kiến từ ông Bình Trần, Việt Nam là thị trường dễ tiếp cận và có tiềm năng tăng trưởng đáng chú ý. Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ sư phần mềm dồi dào và có tay nghề cao. Các kỹ sư công nghệ có kiến thức nền tảng tốt, có khả năng xây dựng những sản phẩm mang tính khác biệt. Khi kết hợp lợi thế 2 yếu tố về thị trường và nhân lực với nhau sẽ đem lại kết quả tích cực cho lĩnh vực công nghệ.
Đặc biệt, Việt Nam là nơi mà các công ty phần mềm lựa chọn làm môi trường kiểm thử. Từ các hoạt động tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp có thể dự đoán tính khả thi khi đưa sản phẩm ra các thị trường mới nổi khác. Do đó, Việt Nam trở thành thị trường quan trọng cho quá trình chuyển đổi này.
Theo Bloomberg, các thị trường mới nổi ở châu Á, ví dụ như Việt Nam, khi dân số đang chuyển dịch mức thu nhập thấp lên mức thu nhập cao, họ sẽ có thêm các nhu cầu bổ sung khác như đầu tư cá nhân, tiếp cận chất lượng dịch vụ chất lượng cao về giáo dục hay y tế. Các nhu cầu này trở thành cơ hội cho các quỹ đầu tư mạo hiểm nhắm vào.
Theo quan điểm của ông Bình, với thế hệ mới, khái niệm công nghệ sẽ thay thế cho khái niệm IT. Công nghệ sẽ là một phần thiết yếu trong mọi hoạt động của các doanh nghiệp. Công nghệ trở thành lĩnh vực tạo giá trị kinh tế theo cấp số cao. Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển về công nghệ, ông Bình Trần tin rằng tỷ phú công nghệ Việt nam sẽ sớm xuất hiện.
Bảo Trâm (Theo Bloomberg)