Bình dị, mộc mạc giữa nghị trường
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, lịch sử ghi nhận những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới với những suy nghĩ tiên phong, “xé rào”, phá bỏ cơ chế quản lý không phù hợp. Trong bối cảnh hiện tại, cán bộ dám nghĩ dám làm càng cần thiết hơn, tạo ra luồng gió mới, động lực mới để phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, để cán bộ có thể hết mình phụng sự thì bên cạnh các chế độ, chính sách rất cần một cơ chế bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung trước các bất cập, vướng mắc của cơ chế, quy định.
Những cán bộ dám nghĩ, dám làm thì có thể dễ sai sót, do không rập khuôn, làm việc một cách máy móc. Không thể lấy những thiếu sót hình thành định kiến, áp đặt, thậm chí quy chụp vào công tác đánh giá cán bộ một cách máy móc, làm rào cản cho sự đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, việc “hợp pháp hóa” các cơ chế mới, “vượt rào” bằng sự phê duyệt của chính cơ quan, đơn vị sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các lợi ích nhóm, các tham nhũng cơ chế, chính sách. Mặc dù, dự thảo đã xác định rõ cán bộ phải vì lợi ích chung là lợi ích của quốc gia, dân tộc, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng để minh định, phân tách việc này là không hề dễ dàng.
Đó cũng là một trong những điều trở ngại rất lớn, khiến dư luận lo lắng khi đóng góp vào Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hiện nay ranh giới giữa đúng, sai, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm chưa rõ ràng. Do vậy, rất cần sớm xây dựng, ban hành văn bản pháp luật cụ thể mới có thể thực hiện được.
Về cơ chế cụ thể, cần phân biệt rõ giữa khuyến khích và bảo vệ. Đối với khuyến khích, cần được xây dựng theo tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Với những việc có lợi cho dân nhưng quy định của pháp luật chưa có thì cấp ủy, người đứng đầu cần tạo điều kiện khuyến khích để cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đó là điều hết sức quan trọng.
Đồng thời, cũng cần có cơ chế chính sách “đầu tư mạo hiểm”. Có nghĩa xác định một số vấn đề trong triển khai thực tiễn chưa chắc đã thành công nhưng vẫn phải khuyến khích cho cán bộ tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung thực hiện.
Đi kèm với khuyến khích, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ trong trường hợp thực hiện công việc dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung nhưng kết quả chưa thành công, thậm chí gây tổn hại cho ngân sách nhà nước, nhân dân. Cụ thể, muốn bảo vệ được cần xác định rõ động cơ thực hiện công việc của cán bộ. Nếu động cơ vì nước, vì dân cần cơ chế, chính sách bảo vệ họ một cách thỏa đáng, thậm chí không chỉ bảo vệ tiền của, tài sản mà cả tính mạng của bản thân, gia đình. Còn nếu trong quá trình cán bộ làm nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí thất thoát tài sản của Nhà nước, nhân dân song việc đó vì lợi ích chung, không có tư lợi thì có thể không yêu cầu bồi thường tài sản, không xem xét kỷ luật, xử lý hình sự…
Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu sớm có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Văn bản pháp luật dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10. Điều này cho thấy Quốc hội đã lên kế hoạch sẵn sàng thông qua một dự thảo luật nếu đạt yêu cầu. Hy vọng đây sẽ là một tín hiệu mới rất tích cực, tạo ra luồng gió mới trong công tác cán bộ của nước ta.
Công Luân