Biệt kích người nhái Trung Quốc sử dụng loại súng gì ở Biển Đông?
Một trong số các loại vũ khí mà biệt kích Hải quân Trung Quốc sử dụng là súng trường tấn công dưới nước QBS-06, loại tương tự như súng trường APS trang bị cho đặc nhiệm HQ Nga.
Tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc vừa cho đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh tập trận của các lính đặc nhiệm thuộc lực lượng Biệt kích Giao Long (Jiaolong) của Hải quân, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Lực lượng “Rồng Biển” tinh nhuệ này được giao thực hiện nhiều hoạt động dưới nước khác nhau nên cũng thường được trang bị các thiết bị chuyên dụng, trong đó có cả những vũ khí khá khác thường.
Theo kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN, Biệt kích Giao Long đóng tại Tam Á, thành phố cực nam trên đảo Hải Nam ở Biển Đông và đảm trách khá nhiều lĩnh vực chuyên môn rộng lớn như đột nhập đường biển, tuần tra rừng rậm và chống khủng bố đô thị.
Một trong số các loại vũ khí mà lực lượng biệt kích Hải quân Trung Quốc sử dụng là súng trường tấn công dưới nước QBS-06, loại vũ khí tương tự như súng trường APS trang bị cho lính đặc nhiệm Hải quân Nga.
APS có từ thời Liên Xô, được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công người nhái của Mỹ. APS là cụm từ viết tắt tiếng Nga có nghĩa là “súng trường tấn công đặc biệt dưới nước”, có kích thước và cấu hình tương tự như súng trường tấn công AK-47 với băng đạn 26 viên cỡ nòng 5,66mm x 120mm.
Theo các nguồn tin phương Tây, QBS-06 trang bị cho Lực lượng Biệt kích Giao Long bắn loại đạn DBS-06 đặc biệt 5,8mm. Chúng được nạp trong các hộp tiếp đạn bằng nhựa có thể tháo rời, mỗi hộp chứa 25 viên với tốc độ bắn khoảng 600 phát/phút.
Xuất hiện trong video còn có loại súng lục dưới nước QSS-05, sử dụng đạn 8mm và dường như được chế tạo theo mẫu súng lục dưới nước SPP-1 4,5mm từ thời Liên Xô. Trong khi vũ khí Liên Xô có bốn nòng thì QSS-05 chỉ có ba nòng.
Tuy nhiên, một điểm rất đáng chú ý là những lính biệt kích tinh nhuệ của Trung Quốc có vẻ như lại đang sử dụng thiết bị lặn thương mại chứ không phải các thiết bị thở chuyên dụng mà lực lượng người nhái trên thế giới thường sử dụng.
PV/TQ