+
Aa
-
like
comment

Biến tướng đa cấp nở rộ, nhiều người bị sập bẫy

15/06/2020 20:31

“Anh ta viết số 79 rồi bảo tôi nếu chứng minh được bản thân thì sẽ biết con số này là gì? Suốt 2 tiếng sau đó, tôi ngồi không nhúc nhích nghe anh ta nói về mô hình kinh doanh”, Li – cô gái từng thoát khỏi một tuyển dụng đa cấp – kể.

Kịch bản để sinh viên “tự sập bẫy”

Từ một mẩu tuyển dụng nhân viên nhập dữ liệu bán hàng tìm được trên Facebook – H.Li (sinh viên năm cuối đại học) tìm đến một văn phòng trên đường Võ Công Tồn (quận Tân Phú, TP.HCM).

“Đến nơi, tôi gọi điện vào số điện thoại trong mẩu tuyển dụng thì được nói là địa chỉ trong mẩu tuyển dụng bị nhầm. Họ chỉ tôi đến một địa chỉ khác trên cùng con đường ấy”, Li kể.

Vào trong một văn phòng có chừng hơn 20 người, Li được một người tên Tr. tiếp đón với lời giới thiệu “chị ở đây để hướng dẫn em”. Chưa từng phỏng vấn xin việc nên Li cũng không nhận ra bất thường khi Tr. “kè kè theo tôi không rời một bước”. Thay vì nói về công việc nhập liệu, Li được giới thiệu rất kỹ ba sản phẩm – trà thảo mộc, thực phẩm cho xương khớp, collagen – với lý do là phải hiểu rõ để trả lời khách hàng.

9 giờ rưỡi đêm tôi mới thoát được bẫy đa cấp, sau khi bị chửi bới - Ảnh 3.
Rất nhiều sinh viên đã bị dẫn dụ vào các mô hình đa cấp – Ảnh: N.H

“Ngay từ đầu họ khiến tôi có cảm giác rằng việc tuyển dụng rất nghiêm túc và ngặt nghèo, nếu tôi không tập trung sẽ bị loại ngay lập tức. Còn những người còn lại trong văn phòng đó đều rất gần gũi”, Li kể.

Ngày hôm sau, Li lại đến công ty, học nội quy và được rủ đi ăn trưa cùng mọi người. Nhiều người bắt đầu kể vào đây 1-2 năm trước, giờ đang làm phòng kinh doanh, làm vài tháng đã mua được xe, năm ngoái bán hàng đạt doanh số cao nên đi du lịch Đà Nẵng, Đà Lạt… Họ cũng không quên nói thêm rằng chỉ có nhân viên phòng kinh doanh mới được mua gói sản phẩm giá ưu đãi và được đi du lịch.

Li không hề biết mình bị dẫn dụ. Cô “tự động” bật ra câu hỏi: “Chị ơi, giờ em xin chuyển sang phòng kinh doanh được không?” và được trả lời “sẽ cho em một cơ hội nếu em chứng minh được đây là điều em thực sự mong muốn và có thể làm được”.

Li không ngần ngại viết một lá đơn bày tỏ nguyện vọng chuyển sang phòng kinh doanh, và sự yêu thích đối với môi trường làm việc gần gũi, nhiều tiềm năng…

Đây cũng là kịch bản được rất nhiều người kể lại, một kịch bản logic khiến nạn nhân tự nguyện đề nghị chuyển đổi, hoặc đồng ý đổi từ công việc ứng tuyển ban đầu – kế toán, nhân viên nhập liệu, cộng tác viên bán hàng… – sang kinh doanh bán sản phẩm ngay trong ngày đầu tiên đến phỏng vấn.

21h30 mới thoát ra khỏi công ty

Li được đưa tới gặp một người tên T., giới thiệu là phó phòng. T. viết ra con số 79 và nói với cô nếu chứng minh được bản thân thì sẽ biết 79 có nghĩa là gì. Suốt hai tiếng sau đó, Li ngồi nghe như nuốt từng lời của người này về các mô hình kinh doanh.

“Càng e dè, rụt rè, họ càng thích vì biết sẽ dễ dẫn dụ, làm áp lực”, Li dừng lại giữa câu chuyện, nhận ra cô đã “ngoan ngoãn” như thế nào trong suốt thời gian đầu. “Giờ nhớ lại em cảm thấy mình như con rối”, cô bảo.

T. yêu cầu Li thực hiện một thử thách – chứng minh quyết tâm cho mọi người trong tòa nhà biết.

9 giờ rưỡi đêm tôi mới thoát được bẫy đa cấp, sau khi bị chửi bới - Ảnh 1.
Các lần xuất tiền mua hàng được gọi là “xuống tiền”. Khi nạn nhân đồng ý “xuống tiền” là đã thành công – Ảnh: N.H

Được mọi người khích lệ rằng “em làm được”, “các chị ở đây ai cũng làm được hết”, Li phải đứng ra giữa phòng, giữa hàng chục con mắt nhân viên phòng kinh doanh, nói to hết cỡ “tôi là nhân viên phòng kinh doanh, tôi cam kết sẽ làm thật tốt công việc”.

Sau nhiều lần nói rằng Li chưa thể hiện được quyết tâm, người phỏng vấn thậm chí còn cầm giấy tờ bỏ đi, trong khi những người khác liên tục hối thúc “nói to hơn đi em, chạy theo chị ấy đi em”. Kết quả, Li đỏ mặt tía tai nói như hét lên cho đến khi được chấp nhận.

T. bắt đầu nói về việc kinh doanh phải có vốn, hỏi Li có gì, xe gì, điện thoại gì, tài khoản bao nhiêu. “Tôi là sinh viên, không có tiền. Tôi hỏi 79 có phải số tiền vốn cần để đầu tư không thì T. nói không cần nhiều vậy. Chỉ cần số vốn ban đầu 10 triệu để mua được gói hàng đầu tiên và trở thành nhân viên kinh doanh”.

Đến lúc này, Li đã nhận ra mình đang bị dụ dỗ bán hàng đa cấp và muốn rút lui. Cô nói dối rằng phải về hỏi ý kiến mẹ thì mới lấy tiền được thì T. và cả Tr. đều nói: “Chỉ có em ở đây mới hiểu được chứ ba mẹ sao hiểu nổi”.

Họ còn thay phiên nhau thuyết phục rằng có khó khăn hay khúc mắc thì cứ nói, họ sẽ giúp. “Đến khi thấy tôi vẫn đứng im thì T. bảo rằng đây không phải là chỗ tôi muốn vô là vô, muốn ra là ra. Tôi phải nghĩ đến những người đã hỗ trợ tôi 2 ngày nay, họ đã vì tôi mà bỏ công bỏ sức. Anh ta muốn làm tôi cảm thấy ái ngại, thấy có lỗi với chị Tr.”, Li kể.

Lúc đó chỉ có một mình trong công ty có đông người nên Li sợ hãi, chỉ biết đứng yên và suốt nhiều tiếng sau đó, T. liên tục chửi rửa, văng tục, đập bàn đập ghế nói rằng Li đã biết hết thông tin, đòi bồi thường thông tin mà Li biết. Tr. – người hướng dẫn cô – cũng đứng chịu trận.

Chỉ đến khi đã quá trễ, khi nhân viên đã về gần hết, đến 21h30, T. mới đuổi Li đi. “Mấy hôm sau, tôi tìm lại thì thấy mẩu đăng tuyển đó đã được thay đổi tên công ty, thay đổi tên người tuyển dụng. Số điện thoại trên Zalo của tôi cũng đã bị họ chặn”, Li kể.

Rất nhiều mẩu tuyển dụng để dẫn dụ sinh viên đến công ty đa cấp dỏm

Đ.H (27 tuổi) – từng có hơn 3 năm luân chuyển trong ba công ty đa cấp, là “tác giả” của rất nhiều mẩu tuyển dụng “dỏm” trên các nhóm tuyển dụng sinh viên. H. đã nghỉ việc vì mâu thuẫn nội bộ, cùng với áp lực không tuyển được người mới suốt một thời gian dài.

H. cho biết mục tiêu của anh chỉ là “tìm mọi cách đưa sinh viên đến công ty, sau đó “bày binh bố trận để thuyết phục họ”. Sinh viên chưa có kinh nghiệm và chưa đủ cứng rắn nên dễ xuôi theo.

“Những mẩu tuyển dụng tuyển cộng tác viên bán hàng, nhập liệu… trên Facebook hiện nay đa phần là tuyển dụng dỏm, thường là một địa chỉ giả cách địa chỉ thật không xa. Thuyết phục họ “xuống tiền” để tham gia một khóa đào tạo online với phí 300.000 – 400.000 đồng là xem như đã thành công. Tiếp đến là tìm mọi cách để tạo cho họ sự tin tưởng”, H. cho biết.

Theo anh, những khóa học online – đào tạo bán hàng – cũng chỉ là hình thức để lôi bằng được sinh viên đến nghe về mô hình công ty, nói về lợi nhuận bán hàng, chiếu clip về những câu chuyện thành công,… để họ mua gói hàng đầu tiên. “Một khi sinh viên đã bỏ vài triệu đồng để mua gói hàng đầu tiên thì họ sẽ đâm lao theo lao”, Đ.H nói thêm.

Anh cho biết rất nhiều người đều cùng bị dẫn dụ bởi con số 79 và bị “khích tướng” để thực hiện thử thách, có thể là hét to giữa đám đông, đi xin mỗi người 10.000 đồng, kiếm được 8 triệu trong vòng 1 tiếng. Rất nhiều người đã cầm điện thoại, xe cộ để thực hiện thử thách.

(Còn nữa..)

VŨ THỦY/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều