Biển Đông dậy sóng: Trung Quốc sẽ không bao giờ được cấp “sổ đỏ”
“Trung Quốc sẽ không bao giờ được cấp “sổ đỏ” (tiếng lóng để chỉ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của Việt Nam) đối với quần đảo Hoàng Sa”,- Chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm khẳng định với Sputnik, bình luận về vấn đề tại Biển Đông sau một tháng “dậy sóng”.
Sau một tháng biến động ở Biển Đông, nhóm tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đã dừng việc khảo sát ở khu vực phía Tây đá Chữ Thập và rút khỏi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Chỉ đến khi nhận được thông tin chính xác và được xác minh chắc chắn từ lực lượng công vụ của Việt Nam trên vùng biển này, chiều ngày 8-8-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới công bố chính thức thông tin này trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hiện tại, các tàu công vụ của Việt Nam vẫn đang tiếp tục giám sát trên ranh giới vùng EEZ của Việt Nam để phòng ngừa các bất trắc có thể xảy ra.
Việc Trung Quốc phải sớm rút nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 khỏi vùng EEZ thuộc chủ quyền của Việt Nam là tất yếu
“Việc Trung Quốc phải sớm rút nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 khỏi vùng EEZ thuộc chủ quyền của Việt Nam là tất yếu. Thời gian hoạt động phi pháp của nhóm tàu này trong vùng EEZ của Việt Nam chỉ khoảng 1 tháng, ngắn hơn nhiều so với thời gian hoạt động trái phép của Dàn khoan HD-981 của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam năm 2014 (hơn 2 tháng)”, – Chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
PV: Theo ông thì vì sao Trung Quốc phải sớm chấm dứt hoạt động trái phép của nhóm tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 tại vùng EEZ của Việt nam?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Theo tôi, có một số lý do khiến Trung Quốc phải chấm dứt sớm hoạt động trái phép tại vùng EEZ của Việt Nam.
Thứ nhất, Trung Quốc nhận thấy họ bị cô lập trên trường quốc tế, đặc biệt là tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 họp tại Bangkok, Thái Lan (AMM-52, cũng như tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26) cũng tổ chức tại Bangkok ngay sau AMM-52. Bên cạnh việc ra Tuyên bố chung về Biển Đông, các thành viên ASEAN cùng các nước Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đông Timor, Canada, Mông Cổ, Australia, Bangladesh, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea và Sri Lanka (trừ Trung Quốc) tham dự ARF-26 cũng đều bày tỏ quan ngại trước tình hình diễn biến phức tạp tại Biển Đông với những sự cố nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây. Các ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế theo Công ước Luật biển 1982. Tất cả các quốc gia nói trên đều mong muốn các bên kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình và thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ hai là các mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 vào hoạt động trái phép trong EEZ của Việt Nam đều không đạt được, kể cả việc Trung Quốc muốn thông qua hành động này để ép các nước ASEAN ký với Trung Quốc một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông với những điều khoản có lợi cho Trung Quốc cũng không thực hiện được do một số nước đã nhận thức rõ ý đồ của Trung Quốc và không mắc vào “cái bẫy thời hạn 3 năm ký COC”. Cũng như nước Mỹ trước đây, trước khi phải chịu ý Hiệp định Paris 973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã tìm đủ mọi cách để gây sức ép với Việt Nam, kể cả sức ép quân sự như việc Mỹ dùng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh phá hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng để buộc Việt Nam phải ký Hiệp định với điều khoản có lợi cho Mỹ, bất lợi cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã kiên quyết giáng trả và chiến thắng, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris với nội dung không khác so với dự thảo Hiệp định hồi tháng 10-1972 để Mỹ có thể “rút lui trong danh dự”. Việt Nam rất có kinh nghiệm trong tình huống “vừa đánh vừa đàm” và không chịu khuất phục trước bất cứ một sức ép nào.
Thứ ba là trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc cũng không có sự nhất trí về việc sử dụng sức ép vũ lực đối với các nước láng giềng. Bởi việc sử dụng vũ lực không những không đem lại kết quả trong việc phân định chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng mà còn chuốc thêm thù oán. Một số học giả quốc tế, trong đó có cả người Trung Quốc còn cho rằng trong điều kiện chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang lên đến đỉnh điểm và có nguy cơ mở rộng thành chiến tranh tiề tệ thì việc “gây hấn” với các nước láng giềng của Trung Quốc chỉ có thể mang lại hậu quả không mấy tốt đẹp là Trung Quốc sẽ “bớt bạn thêm thù”. Đây là điều đại kỵ trong quan hệ quốc tế ở những thời điểm nhạy cảm như thế này.
Thứ tư là do thái độ kiên quyết về nguyên tắc nhưng mềm dẻo, kiềm chế, khéo léo vận dụng chính sách cân bằng quan hệ quốc tế của Việt Nam đã không cho Trung Quốc bất cứ lý do nào để làm phức tạp thêm tình hình, có bé xé ra to nhằm tạo thêm cơ hội gây sức ép với Việt Nam như hồi năm 2014. Hơn nữa, việc Việt Nam với chính nghĩa của mình dựa trên quy định của Công ước quốc tế về luật Biển (UNCLOS-1982) đã tập hợp được sự đoàn kết quốc tế xung quanh mình, nêu cao ngọn cờ hòa bình và chủ trương giữ vững ổn định về an ninh, an toàn ở Biển Đông. Điều này được các quốc gia có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp pở Biển Đông cũng như dư luận quốc tế nói chung đồng tình rất cao. So với năm 2014, tiềm lực quốc phòng và an ninh trên biển của Việt Nam đã được tăng cường rất đáng kể. Còn nội bộ Việt nam thì đã đoàn kết, nhất trí hơn rất nhiều và cũng khôn khéo hơn 5 năm trước đây rất nhiều.
Thứ năm là chính bản thân một số người Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục dùng chính sách xâm lấn chủ quyền trên biển, mà cụ thể là Biển Đông, dùng “sức mạnh cơ bắp” của nước lớn, nước mạnh để ép buộc các nước láng giềng trên Biển Đông thì “cánh cửa Biển Đông” sẽ có nguy cơ “đóng sập lại” đối với Trung Quốc, kéo theo sự thất bại của chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển”, một trong hai cánh phát triển quan trọng bậc nhất trong sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc. Các đối tác của Trung Quốc dọc theo “Con đường tơ lụa trên biển” từ Châu Á sang Châu Âu và cả Châu Phi sẽ mất dần sự tin tưởng vào Trung Quốc. Hai là việc Trung Quốc công bố kế hoạch tập trận hải quân bắn đạn thật ở khu vực Trường Sa.
An toàn ở Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và ẩn chứa những bất trắc khó lường.
PV: Một điều đáng chú ý là lần này, Mỹ đã hành động sớm để đáp trả cuộc tập trận của Trung Quốc. Ngày 8/8, Bộ trưởng mới của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố việc Mỹ sẽ điều động nhóm tàu sân bay hiện đại Ronald Reagan vào Biển Đông và sẽ tập trận gần với vùng tọa độ trên biển mà Trung Quốc tuyên bố sẽ tập trận…Ông đánh giá hành động này của Mỹ như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Hành động mới này của Mỹ cho thấy tình hình an ninh, an toàn ở Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và ẩn chứa những bất trắc khó lường. Hơn lúc nào hết, Việt Nam, một mặt, kêu gọi giả quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các giải pháp đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế nhưng cũng luôn đề cao cảnh giác, không để xảy ra những tình huống bất ngờ đe dọa chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia từ hướng biển. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cũng cho biết Mỹ không cần yêu cầu ASEAN phải đứng về bên nào trong sự tranh chấp lợi ích chiến lược Mỹ – Trung. Đây là một động thái mới của Mỹ cho thấy Mỹ buộc phải tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông, có quyền loại trực tiếp ở Biển Đông. Tuy nhiên, chưa rõ là Mỹ giữ lập trường này tới khi nào và có hành động tương xứng với lời tuyên bố đó không. Bởi trong lịch sử, cũng như Trung Quốc, đã có không ít trường hợp Mỹ nói một đằng, làm một nẻo.
Chìa khóa để tháo gỡ vấn đề COC
PV: Việt Nam cùng với các nước ASEAN cần phải hành động nhữ thế nào để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)? Tình hình COC như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Để tiến tới một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, Việt Nam cùng với các nước ASEAN cần giữ vững tinh thần đoàn kết, tạo tiếng nói đồng thuận để đàm phán với trung Quốc, hết sức tránh việc ham lợi cục bộ, địa phương để Trung Quốc có thể lợi dụng để “bẻ đũa từng chiếc”. Cái bẫy “thời hạn 3 năm để ký COC” mà Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra làm cho dư luận lầm tưởng rằng Trung Quốc đã thay đổi thái độ, không “câu giờ” trong đàm phán với ASEAN mà muốn thúc đẩy tiến trình ký COC nhanh hơn.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, Việt Nam hiểu rằng đó không phải là sự thay đổi tích cực mà thực chất là sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc. Nắm được tâm lý “sốt ruột” của các nước ASEAN và các nước có lợi ích (trực tiếp hoặc gián tiếp) ở Biển Đông, Trung Quốc muốn tạo ra một COC với những nội dung có lợi cho mình, bất lợi cho các đối tác. Kinh nghiệm của Việt Nam trong 5 năm đàm phán với Mỹ để đi đến Hiệp định Paris năm 1973 cho thấy khi mà đối phương quay ngoắt 180 độ theo kiểu “hòa bình đã ở trong tầm tay” (lời của tổng thống Mỹ Richard Nixon trong một cuộc vận động tranh cử tháng 10-1972 nhưng rồi rồi sau đó, ông ta lại cho máy bay chiến lược B-52 ném bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng), thì khi đó, cần cảnh giác trước chiến thuật mới của đối phương. Cũng như các vấn đề quan hệ quốc tế về Biển Đông, lần này, “trái bóng COC” vẫn nằm bên phía sân của Trung Quốc. Và chìa khóa để tháo gỡ vấn đề COC cũng vẫn không có gì khác hơn là sự thành thật của Trung Quốc trong đàm phán, là nhận thức của Trung Quốc về sự công bằng, thiết thực, căn cứ vào Công ước quốc tế về Luật Biển UNCLOS-1982, thái độ tôn trọng lẫn nhau, không dùng sức ép kinh tế, chính trị hay quân sự từ phía Trung Quốc.
Sputnik: Với việc Trung Quốc lập các căn cứ quân sự đa năng ở quần đảo Hoàng Sa của Việt nam, ở Bãi Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Biển Đông như một thùng thuốc súng sẵn sàng phát nổ bất cứ lúc nào bị châm ngòi. Là một trong các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông, Trung Quốc cần chứng tỏ mình là một cường quốc có trách nhiệm chứ không phải là một “đấu sĩ” chỉ biết sử dụng “cơ bắp” trong ứng xử ở Biển Đông.
Còn Việt Nam, rất có kinh nghiệm trong tình huống “vừa đánh vừa đàm” và không chịu khuất phục trước bất cứ một sức ép nào, đang hành động tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.
(Theo Sputnik)