+
Aa
-
like
comment

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Mục tiêu lớn nhất là hạn chế trường hợp tử vong

14/07/2021 21:07

Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ thành phố đang đối mặt với bài toán rất khó và mục tiêu lớn nhất hiện nay là hạn chế trường hợp tử vong.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 1
Bí thư Nguyễn Văn Nên.

Tập trung cao điểm cho “chiến dịch” thực hiện Chỉ thị 16 là lời kêu gọi được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên gửi gắm trong buổi gặp gỡ lãnh đạo cơ quan báo chí của Thành ủy TP.HCM chiều 14/7. Mục tiêu đề ra là tập trung ngăn chặn, kéo giảm, khống chế, từng bước kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM và toàn vùng.

“Chúng ta dập dịch không phải chỉ lo cho thành phố mà còn có sứ mệnh là trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Bí thư Nên chia sẻ.

Bài toán khó

Ngày thứ 6 áp dụng Chỉ thị 16, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân đã tập trung, nỗ lực cao độ, thực hiện nghiêm các biện pháp đề ra.

Tuy nhiên, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM thừa nhận có nơi, có lúc cán bộ chưa làm tốt trách nhiệm được giao. “Chúng tôi đã nhắc nhở, kiểm tra, phân công, điều chỉnh một số lực lượng để hỗ trợ những nơi mà nhận thấy chưa đủ sức làm”, ông Nên nói.

TP.HCM điều chỉnh một số lực lượng để hỗ trợ những nơi mà nhận thấy họ chưa đủ sức làm.

Bí thư Nguyễn Văn Nên

Nói về tình hình dịch Covid-19, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại chủng Delta có mức độ lây lan rất nhanh, đang là thách thức rất lớn với các nhà khoa học, y học. Thành phố đã luôn tôn trọng sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn như dịch tễ học, y tế cộng đồng và các đơn vị liên quan phòng, chống dịch.

“Đây là bài toán rất khó đối với chúng tôi”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề rút ngắn thời gian điều trị F0, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định trước bất cứ quyết định nào, ngành y tế cũng cần thời gian nghiên cứu, đánh giá, đủ cơ sở khoa học thực tiễn mới đưa ra dự báo, hướng dẫn. Ông nhận định đây là chiến lược mới, phù hợp với tình hình dịch ở thành phố.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 2
Nhiều bệnh viện hết chỗ do lượng F0 tăng nhanh.

Đối với công tác điều trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết ngành y tế đã tập trung được nguồn lực, nhân lực, phương tiện, thiết bị cần và đủ để đảm bảo chăm sóc sức khỏe, hồi sức cấp cứu cho các trường hợp mắc bệnh.

“Mục tiêu lớn nhất là hạn chế trường hợp tử vong”, Bí thư chia sẻ. Ông nói thêm: “Chúng ta nói phần lớn ca tử vong do bệnh nền, nhưng chúng ta không lo bệnh nền cho người dân khi bị nhiễm là trách nhiệm của chúng ta”.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị các đơn vị chức năng tạo điều kiện điều trị cho người có bệnh lý nền, tránh những bi kịch có thể xảy ra.

Người đứng đầu Thành ủy mong muốn báo chí tăng cường chia sẻ thông tin để người dân hiểu, yên tâm về các chính sách của thành phố. Ông thừa nhận khi thực hiện Chỉ thị 16, có những tình huống “không lường hết”. Ví dụ như việc thành phố tăng kiểm tra, kiểm soát tại các chốt để người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16. Nhưng khi kiểm tra tại chốt thì lại gây tắc đường, khiến nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

Thời gian càng kéo dài thì càng thấm mệt. Sức anh em mệt mà bà con cũng phải chịu đựng.

Bí thư Nguyễn Văn Nên

“Khi đó, người chỉ huy ở chiến trường buộc phải chọn giải pháp ít xấu nhất. Tình huống đó làm sao mà lường trước được, phải ra hiện trường mới gặp”, ông nói và mong người dân chia sẻ với các tình huống phát sinh của thành phố.

Một vấn đề khác được Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc đến là phải quan tâm đến đời sống, tâm lý của nhân viên y tế. Ông kể lại chia sẻ của một bác sĩ, theo đó, cả nhà làm ngành y, tham gia chống dịch, chỉ còn mẹ già ở nhà. Các thành viên trong gia đình về nhà thì sợ lây cho mẹ nên mong muốn thành phố tiêm vaccine cho cả nhóm đối tượng này.

“Thời gian càng kéo dài thì càng thấm mệt. Sức anh em mệt mà bà con cũng phải chịu đựng. Có người ra nhận tiền hỗ trợ mừng đến khóc. Nhưng chừng đó chỉ sống trong ngày thôi, còn tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà… Tôi đang bàn kế hoạch để hỗ trợ cho người dân, không chỉ lo bữa ăn hàng ngày”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

5 trụ cột để chống dịch

Phát biểu tại buổi họp, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết khu cách ly, phong tỏa phát hiện ngày càng nhiều ca nhiễm; số ca có triệu chứng nặng, phải điều trị hồi sức cũng tăng lên. Ông nhận định điều này phù hợp với quy luật dịch bệnh trên thế giới, khi tổng số ca tăng thì số ca tiên lượng nặng, phải điều trị hồi sức cũng tăng nhiều.

Về số ca tử vong, Phó bí thư Phan Văn Mãi cho biết 5 ngày trước, thành phố ghi nhận 49 trường hợp, nhưng đến 13/7, thành phố ghi nhận 119 ca.

“Chúng ta thấy tổng số ca tăng, số ca nhiễm và tử vong cũng tăng. Số liệu này cho thấy tốc độ tăng ở tất cả con số mà chúng ta đo lường mỗi lúc càng nhanh. Đến hôm nay, số ca dương tính sẽ gần 19.000 và nhanh chóng lên tới 20.000”, Phó bí thư thẳng thắn chỉ ra tình hình.

dich Covid-19 bung phat tai TP.HCM anh 3
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Trước tình hình trên, ông Mãi cho biết thành phố đang tập trung vào 5 tuyến công việc trụ cột.

Thứ nhất là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trọng tâm là người cách ly người, nhà cách ly nhà, cộng đồng cách ly cộng đồng để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Ông nhận định hầu hết thực hiện nghiêm nhưng do điều kiện dân cư đông, sản xuất tập trung nên một số nơi chấp hành hoặc quản lý chưa triệt để.

Thứ hai là xét nghiệm, tầm soát nhanh, tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn nguồn lây lan. Thành phố tổ chức theo hai cánh: Tập trung trọng tâm, trọng điểm vào vùng có nguy cơ cao, rất cao; và rà soát ngẫu nhiên.

Thứ ba là cách ly F1 và thu dung, điều trị F0. Với F1, thành phố đang triển khai cách ly tập trung tại cộng đồng và cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, số lượng F1 cách ly tại nhà chưa nhiều do thời gian đầu còn vướng các quy định. Gần đây, Sở Y tế đã trao đổi với Bộ Y tế để gỡ vướng nên số lượng nhiều hơn.

Khi dịch đạt đỉnh, số ca nhiễm nặng sẽ nhiều hơn, phải sử dụng đến thiết bị điều trị hồi sức.

Phó bí thư Phan Văn Mãi

Thứ tư là điều trị. Thành phố đã chuẩn bị tổng cộng 24 bệnh viện dã chiến, đã hoàn thành 19 cơ sở và đang hoàn thiện 5 bệnh viện nữa, tổng quy mô là 45.000 giường. Hiện nay, thành phố đã tiếp nhận 17.000 giường.

“Đây là khối lượng công việc, áp lực rất lớn”, Phó bí thư nói. Ông nhận định khi dịch đạt đỉnh, số ca nhiễm nặng sẽ nhiều hơn, phải sử dụng đến thiết bị điều trị hồi sức. Do đó, nhiệm vụ nặng nề thời gian tới là hạn chế ca tử vong.

Thứ năm là vaccine. Thành phố đánh giá đây là giải pháp rất quan trọng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Dự kiến, đợt tiêm vaccine thứ 5 bắt đầu từ 18/7, hoàn thành tiêm 1,1 triệu liều vaccine trong 2 tuần.

Về nhóm đối tượng ưu tiên tiêm lần này, ngoài nhóm đối tượng theo Nghị quyết 21, thành phố tập trung vào người tham gia chống dịch; đối tượng thường xuyên di chuyển, tiếp xúc trong cộng đồng; người lớn tuổi, có bệnh lý nền. Ngoài ra, người tiếp xúc với lực lượng tuyến đầu cũng được ưu tiên để đảm bảo an toàn.

Theo báo cáo về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của UBND TP.HCM ngày 14/7, từ 27/4 đến 18h ngày 14/7, thành phố có 18.802 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, 130 trường hợp tử vong, 168 ca xuất viện. Từ 1/7 đến nay, trung bình mỗi ngày phát hiện 1.140 ca bệnh.

Riêng từ 6h ngày 13/7 đến 6h ngày 14/7, TP.HCM ghi nhận 2.144 ca nhiễm. Trong đó, 496 trường hợp trong khu phong tỏa; 1.136 ca trong khu cách ly; 22 trường hợp cách ly tại nhà; 170 ca phát hiện qua tầm soát cộng đồng; 313 bệnh nhân phát hiện qua khám sàng lọc; và 7 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp.

Phan Anh

Bài mới
Đọc nhiều