+
Aa
-
like
comment

Bi kịch của một nền kinh tế khi người dân ngày một khó mua nhà

Huy Hoàng - 19/10/2022 14:32

Lạm phát thường được xem là thủ phạm làm bào mòn sức khỏe của nền kinh tế. Nhưng thực tế, giá nhà ở quá cao so với thu nhập của người dân mới chính là thứ đẩy quốc gia vào một tấn bi kịch…

Tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ già hóa tăng nhanh đang để lại khoảng trống giữa các thế hệ ở Trung Quốc.

Vết xe đổ của Trung Quốc

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với mối nguy về dân số. Các nhà nhân khẩu học dự đoán quy mô dân số quốc gia đông nhất thế giới sẽ bắt đầu thu hẹp trong năm nay. Do mức độ già hóa sẽ nhanh chóng tăng tốc trong thời gian tới cùng với tỷ lệ sinh giảm mạnh và không thể đảo ngược trong một sớm một chiều. Trong năm nay dự đoán sẽ chỉ có chưa tới 10 triệu trẻ ra đời, giảm mạnh so với con số 10,6 triệu vào năm ngoái. Độ trễ trong khoảng cách giữa các thế hệ càng lớn, sẽ càng làm tăng nguy cơ bất ổn, một mặt nhóm người lớn tuổi tăng nhanh sẽ làm áp lực lên chi phí an sinh xã hội, trong khi số người trẻ tăng chậm sẽ làm thị trường lao động ở Trung Quốc giảm tốc. Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng đây sẽ là một sự thay đổi lớn, có tác động lớn đến tương lai kinh tế của quốc gia này.

Trung Quốc từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 2010 đã thi hành áp dụng chính sách một con. Kế hoạch hóa gia đình đã làm giảm 400 triệu dân số của đất nước. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc cũng giảm mạnh qua nhiều năm. Trong giai đoạn 2012-2021, số trẻ sơ sinh mỗi năm giảm tới hơn 45%. Ở góc độ quản lý nhân khẩu, Trung Quốc cũng có thể coi là đã thành công trong kế hoạch hóa dân số đất nước họ. Thế nhưng, cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu.

Bắc Kinh đã bỏ rơi thị trường nhà đất. Mà cụ thể ở đây là nhà ở của cư dân. Đối với những người bình thường, mua được một căn nhà ở thành phố lớn của Trung Quốc thực sự rất khó. Giá nhà đất ở các thành phố Trung Quốc đắt một cách khó hiểu và vẫn đang tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập của người lao động. Vấn đề lớn hơn nữa mà ít ai để ý tới việc giá bất động sản tăng cũng góp phần đẩy chi phí sinh hoạt tăng theo. Ví dụ chi phí đi thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ dần theo thời gian, thì tiền phí mà những khách hàng Trung Quốc phải trả cũng sẽ cao hơn. Chi tiêu cho việc học, y tế khám chữa bệnh,…mọi thứ miễn là có liên đới với thị trường bất động sản đều sẽ tăng theo thời gian, gián tiếp gây áp lực lên khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Thị trường nhà ở TQ đang sụp đổ

Nếu lạm phát thường làm tăng giá cả hàng hóa một cách đột ngột, thì giá đất sẽ tác động đến chi phí dịch vụ, mức tăng tuy không nhanh, nhưng một khi đã tăng thì không giảm trở lại. Vì đó mà chi phí giáo dục sẽ ngày càng cao qua hằng năm, mọi dịch vụ cũng đều đắt đỏ theo thời gian, trong khi mức thu nhập thường không đuổi theo kịp sẽ dẫn tới người lao động phải làm việc nhiều giờ hơn trong một ngày.

Nếu nhìn vào chỉ số lạm phát của Trung Quốc hằng năm, con số này quả thực không cao. Nhưng chính giá bất động sản quá cao ở Trung Quốc đã trở thành nguyên nhân bào mòn tỷ lệ sinh của quốc gia này. Kinh tế Trung Quốc phát triển, nhưng đằng sau sự lớn mạnh đó là người lao động ngày nay không còn đủ thời gian để nuôi dạy con cái, tiền lương cả đời cũng không mua được căn nhà cho gia đình. Gánh nặng khi sinh thêm con là một thực tế nhức nhối.

Giới trẻ ở Trung Quốc ngày càng sợ phải sinh con

Kể từ năm 2016 đến nay, Bắc Kinh đã ra sức nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh đẻ trên toàn quốc. Theo đó, chính quyền địa phương đã kéo dài thời gian nghỉ thai sản và đưa ra các khoản trợ cấp cho các bậc cha mẹ sinh thêm con thứ hai. Tuy nhiên những phương án khuyến khích sinh sản của Trung Quốc không có nhiều tác động. Phụ nữ Trung Quốc dù bị cấm nhưng vẫn tìm cách tiếp cận với thủ thuật phá thai. Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất trong số các nền kinh tế lớn, bất chấp chính quyền nước này đã thắt chặt kiểm soát quy định phá thai không vì mục đích y tế.

Có thể thấy ngành nhà đất đã gây hại đến sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc như thế nào. Nhức nhối đến nỗi mà trong lần Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu rằng: “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ”, câu nói này sau đó đã làm chao đảo ngành bất động sản Trung Quốc vốn đang nhộn nhịp mua đi bán lại và liên tục bị thổi giá cao thời điểm đó.

Trong lần Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022 này, vấn đề dân số cũng được trực tiếp đề cập đến. Ông Tập phát biểu: “Trung Quốc sẽ thiết lập hệ thống chính sách để tăng tỷ lệ sinh và theo đuổi chiến lược quốc gia chủ động nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số”. Theo đó Trung Quốc sẽ cải thiện hệ thống phân phối thu nhập, thúc đẩy bình đẳng về cơ hội, tăng thu nhập nhóm có thu nhập thấp và mở rộng quy mô nhóm thu nhập trung bình.

Tình hình ở Trung Quốc hiện nay là một lời nhắc nhở cho các nhà hoạch định chính sách, rằng để đo lường sự phát triển của nền kinh tế thì trên hết cần đặt con người làm trung tâm thay vì chạy theo những con số báo cáo hằng quý, hằng năm. Chúng ta luôn nói về tăng trưởng, nhưng liệu có phù hợp không khi đánh đồng sự tăng trưởng đó với sức khỏe của nền kinh tế. Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc đã trải qua hàng thập kỷ tăng trưởng, nhưng đời sống người dân tại quốc gia này lại không thực sự “khỏe” là bao. Tâm lý chán sinh của người dân Trung Quốc thời đại này là minh chứng cho điều đó.

Và không chỉ riêng Trung Quốc, ở Hàn Quốc, tình trạng giá bất động sản cao cũng đang bào mòn quy mô dân số của quốc gia này. Trung, Hàn đều từng được xem là một phép màu kinh tế của thế giới, nhưng họ cũng đã không thể tránh khỏi những sai lầm và để lại hệ quả xấu cho nền kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhìn lại Việt Nam

Ở Việt Nam tâm lý chán sinh, ngại kết hôn cũng đã nhen nhóm khắp các thành phố lớn trong xã hội. Việt Nam may mắn là chúng ta đi sau, do đó chúng ta có cơ hội để nhìn vào sai lầm của các nền kinh tế khác.

Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn dân số vàng, vì vậy cần có chính sách để nâng mức thu nhập người lao động theo thời gian, đảm bảo các chi phí dịch vụ cho đời sống không leo thang quá cao. Mặt khác chính sách cũng cần phải hướng đến giải phóng sức lao động của con người, chúng ta không thể gọi một nền kinh tế là tốt khi 10 năm trước người lao động phải làm 8 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần mà 10 năm sau vẫn là làm 8 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần. Nếu năng suất lao động dậm chân tại chỗ thì nền kinh tế quốc gia đó không thể được xem là bền vững. Việt Nam cần một chính sách để nâng cao chất lượng công việc, từ đó giảm giờ làm mỗi tuần, mỗi ngày để người lao động còn có thời gian chăm sóc gia đình.

Thực tế, kể cả khi loại bỏ yếu tố khó mua nhà ở tại các thành phố lớn, thì chỉ cần Chính phủ nâng cao mức thu nhập và bớt giờ làm cho người lao động cũng đã đủ để đảm bảo tỷ lệ sinh ở mức cân bằng.

Kinh nghiệm của các nước đi trước nói lên rằng, chính sách phát triển kinh tế luôn luôn cần lấy sức khỏe người dân làm trung tâm, chỉ khi đó Việt Nam ta mới trở thành một nước phát triển bền vững.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều