+
Aa
-
like
comment

Bệnh thành tích rất khó chữa!

08/01/2020 07:16

Chính vì nặng về thành tích nên các nhà trường vẫn áp chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn, giáo viên ngay từ những ngày đầu bước vào năm học mới.

Bệnh thành tích trong ngành giáo dục rất khó chữa bởi nó liên quan đến rất nhiều ban ngành, nhiều vấn đề hiện nay. Từ thành tích thi đua của địa phương, của ngành giáo dục, của các nhà trường, giáo viên…

Thậm chí trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng có những yêu cầu về chất lượng giáo dục như tỉ lệ phổ cập, tỉ lệ học sinh bỏ học, tỉ lệ học sinh đậu tuyển sinh 10…Chính vì thế, chữa được “căn bệnh” này còn khó hơn cả hái sao ở trên trời vậy.

Dù biết rõ “bệnh thành tích” nhưng không dễ dàng “chữa” được căn bệnh này (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo Sở, Phòng sợ Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện

Muốn đẩy lùi được căn bệnh thành tích thì phải bắt đầu từ những người làm công tác trong ngành giáo dục nhưng lãnh đạo ngành giáo dục lại sợ những lãnh đạo trực tiếp của mình nên bệnh thành tích vẫn hoành hành khắp nơi.

Mấy năm trước, chúng tôi được điều động đi ra đề thi tuyển sinh 10 và được tiếp cận rất nhiều thông tin từ lãnh đạo của mình. Vị trưởng Hội đồng ra đề thi là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu những thành viên ra đề như sau:

“Các thầy ra đề làm sao để học sinh phải đạt được từ 6 điểm/ môn trở lên. Bởi đề ra khó thì học sinh không làm được là Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quở trách, các trường Trung học phổ thông sẽ than đầu vào thấp”.

Tất nhiên, khi lãnh đạo đã chỉ đạo như vậy thì chúng tôi phải tuân thủ và làm theo để đề thi phải “phù hợp” với tất cả các đối tượng học trò, nhất là đối với những học trò yếu cũng phải có điểm trung bình.

Thực tế, sau mỗi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh 10 thì tất cả các số liệu được chuyển về các địa phương. Tất nhiên, khi họp Ủy ban thì lãnh đạo ngành giáo dục sẽ phải báo cáo các số liệu này với lãnh đạo của mình.

Kết quả, chất lượng kỳ thi mà cao thì không sao nhưng nếu điểm thi thấp, chất lượng thấp thì đương nhiên lãnh đạo ngành giáo dục sẽ bị các Ủy ban nhân dân quở trách.

Một khi lãnh đạo Sở, Phòng bị quở trách, phê bình thì họ lại quở trách hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường phổ thông và khi về trường thì Ban giám hiệu lại quở trách lại giáo viên của trường mình. Điệp khúc ấy cứ luẩn quẩn, lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác và chưa thấy có sự thay đổi.

Giáo viên phải tìm cách đối phó với chỉ tiêu

Chính vì nặng về thành tích nên các nhà trường vẫn áp chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn, giáo viên ngay từ những ngày đầu bước vào năm học mới. Một khi đã phân bổ chỉ tiêu về chất lượng giáo dục thì tất nhiên là giáo viên phải cố gắng để hoàn thành.

Học sinh học tốt sẽ đạt được điểm tổng kết cao là điều đương nhiên nhưng nhiều lớp, nhiều học sinh học chưa tốt mà một số thầy cô vẫn phải nâng điểm lên cho học trò để đạt được chỉ tiêu đã được nhà trường giao đầu năm.

Tất nhiên, việc nâng điểm này nó cũng có những mặt trái và tiêu cực khi mà học sinh học tập chưa tốt, kết quả không cao mà giáo viên kéo lên mặt bằng khá giỏi để phù hợp.

Trong trường phổ thông, kiểm tra học kỳ được xem là kỳ kiểm tra nghiêm túc nhất trong các nhà trường bởi đây là kỳ kiểm tra có sự vào cuộc của tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị đều tham gia.

Ban giám hiệu, nhân viên nhà trường thì làm những công việc gián tiếp. Giáo viên là người trực tiếp ra đề (đối với môn Sở, Phòng không ra đề), gác kiểm tra và chấm bài cho học trò.

Một số giáo viên làm việc nghiêm túc nhưng cũng có những giáo viên làm hời hợt vì thương học trò trong trường nên đề kiểm tra thì đã “ôn trọng tâm” nội dung đề bài, gác kiểm tra thì đôi lúc vẫn để cho học trò quay cóp, trao đổi bài với nhau.

Chính vì vậy, phần lớn học trò đạt điểm cao nếu trong phòng kiểm tra có vài em học sinh có học lực khá, giỏi. Đó là chưa kể một số môn học mà học sinh đi học thêm thì được thầy cô đã ôn các dạng bài tập giống với đề kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ nhiều lần. Ngày kiểm tra thì học sinh chỉ cần thay đổi số liệu (các môn tự nhiên) là ra kết quả.

Một số giáo viên thì rất hào phóng khi chấm điểm cho học trò với quan niệm cho điểm cao để học sinh thích học, chứ cho điểm thấp thì học sinh khiếp sợ nên điểm tổng kết thường cao một cách bất thường.

Sau mỗi học kỳ, các trường phải báo cáo điểm thống kê điểm trung bình cho Phòng, Sở và Phòng, Sở tổng hợp, so sánh xong lại gửi ngược về các trường và chúng ta đều thấy tỉ lệ học sinh khá, giỏi bây giờ nhiều vô kể.

Chính vì thế, những trường có điểm thấp thì Ban giám hiệu lại so sánh với trường điểm cao. Lại nhấn mạnh vì sao mà trường họ dạy tốt, học tốt còn trường mình kết quả lại thấp hơn trường bạn.

Bởi, nhìn vào điểm thống kê chung trên địa bàn huyện, tỉnh thì có những môn học có tỉ lệ học lực giỏi lên đến 70-80% học sinh. Trong khi, quy luật chung là năm sau phải cao hơn năm trước, ít ra cũng phải bằng với kết quả năm trước nên kết quả học tập của học sinh trên giấy tờ bây giờ thấy hãi lắm.

“Bệnh thành tích” của ngành giáo dục vì thế mà không thể thuyên giảm  được- đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều thầy cô giáo, của xã hội khi nói về “căn bệnh” lâu năm của ngành.

THANH AN/GD

Bài mới
Đọc nhiều