+
Aa
-
like
comment

Bầu cử là quyền lực của công dân Việt Nam

Đỗ Mạnh - 10/05/2021 15:24

Để mọi công dân được tự tay mình cầm lá phiếu lựa chọn các thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất và Hội đồng nhân dân các cấp của đất nước, dân tộc Việt Nam chúng ta đã phải hi sinh, đánh đổi bằng biết bao xương máu, sức lực.

Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu phố V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội.
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu phố V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội.

Dưới các triều đại phong kiến, quyền lực đất nước nằm trong tay các vị vua, chúa. Đến thời kỳ Pháp thuộc, quyền lực đất nước rơi và tay những người Pháp và chính quyền do thực dân Pháp bảo hộ. Trong giai đoạn tăm tối của lịch sử dân tộc Việt Nam, người dân sống trong lầm than và chịu sự đô hộ của chính quyền thực dân, trở thành đầy tớ cho ngoại bang trên chính đất nước của mình.

Dân sống cũng như chết trước áp lực của hàng trăm thứ thuế, các quyền tối thiểu của con người đều bị tước đoạt. Vì thế mà tự do đã trở thành khát vọng trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Những người chủ thực sự của đất nước đã bị chính những kẻ xâm lược ngoại bang xâm lược tước đoạt. Các quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được học hành đều bị tước bỏ, chứ nói gì đến quyền được tự tay cầm lá phiếu bầu những đại biểu xứng đáng nhất làm lãnh đạo đất nước.

Khát khao tự do và quyền được làm người của người dân Việt có được như ngày hôm nay chúng ta đã phải trải qua quá nhiều sự hi sinh mất mát, nhưng chính những đau thương ấy đã tạo thành sức mạnh của một dân tộc. Và sức mạnh ấy qua thời gian đã kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ nhấn chìm bè lũ cướp  nước và bán nước đem lại độc lập tự do cho dân tộc, đem lại quyền làm người cho người dân Việt Nam.

Ngày 6/1/1946 đã như một mốc son chói lọi trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hàng vạn cử tri cả nước thực hiện quyền công dân: Lần đầu tiên người Việt Nam được tự tay mình bỏ phiếu lựa chọn ra những tài năng xuất chúng nhất vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Cũng từ ngày đó đến nay đã 67 năm, người Việt Nam đã thực sự đươc làm người chủ của quê hương, đất nước, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Từ ngày đó, người dân Việt Nam đã thoát khỏi kiếp người nô lệ được sống bằng chính quyền lực và trách nhiệm của chính mình đối với đất nước, với dân tộc. Như lời Bác Hồ đọc tại lễ tuyên bố thành lập nước ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”

Bác Hồ bỏ phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.
Bác Hồ bỏ phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.

Để có được quyền được bầu cử, dân tộc Việt Nam đã phải hy sinh xương máu và sức lực mới có được. Đất nước thịnh hay suy, phát triển hay không phát triển, ngoài sự lao động quên mình của mỗi công dân còn phụ thuộc rất nhiều vào quyền lựa chọn của mỗi công dân thông qua các kì bầu cử. Vì vậy quyền bầu cử của công dân giờ đây không chỉ là trách nhiệm, là quyền hạn, nó còn là vinh dự của mỗi công dân đối với đất nước.

Vận động bầu cử tại Sơn La.
Vận động bầu cử tại Sơn La.

Sắp tới đây, ngày 22/5/2021 kỳ bầu cử Quốc hội thứ XV và HĐND các cấp trên khắp cả nước sẽ thực sự là ngày hội của cả nước. Ngày mà các công dân của nước Việt Nam tự do sẽ tự tay mình cầm lá phiếu lựa chọn cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Đất nước có phát triển bền vững hay không, lnh đạo các cơ quan quyền lực của đất nước có đầy đủ tài năng lãnh đạo đất nước hay không, điều đó phụ thuộc vào trách nhiệm và sự lựa chọn sáng suốt của mỗi công dân Việt Nam. Thực hiện quyền bầu cử chính là thể hiện quyền làm chủ của mỗi công dân đối với đất nước.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều