+
Aa
-
like
comment

‘Bất phương trình trong đại dịch’: Chưa có tiền lệ, biết bao giờ cho đến ngày xưa?

16/02/2021 06:13

COVID-19 bắt nguồn từ vấn đề phi kinh tế, mang yếu tố thiên tai nhưng lại tập trung vào con người, nhất là những người nghèo. Những ánh mắt, bóng dáng, tâm can bộc lộ ra tự nhiên trước máy quay. Không có gì ngăn nổi những giọt nước mắt.

Bất phương trình trong đại dịch: Chưa có tiền lệ, biết bao giờ cho đến ngày xưa? - Ảnh 1.
“Bất phương trình trong đại dịch” tận dụng triệt để cách bố trí bối cảnh trường quay và nghệ thuật ánh sáng để tạo ra các hình tượng – Ảnh chụp màn hình

Tạp chí Kinh tế đặc biệt chủ đề “Bất phương trình trong đại dịch” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả bởi cách kể một câu chuyện kinh tế khác lạ.

Chương trình do Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện; được phát trên các nền tảng số của VTV, tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Một cuốn phim chân thực về thời ta đang sống

Nếu bất phương trình là một mệnh đề toán học chứa biến thì COVID-19 và kinh tế – xã hội Việt Nam cũng như thế giới trong năm qua là một dạng như vậy.

“Năm 2020, nhân loại bị nhốt trong một đường hầm chưa thấy điểm cuối, được đan xen bởi vô số ngã rẽ. Lối thoát nào giữa những sự lựa chọn?

Kinh tế hay con người, đóng cửa hay mở cửa, bỏ cái gì và giữ cái gì? Những quyết định chưa có tiền lệ, nhưng buộc phải đưa ra tức thì dựa trên dự báo, niềm tin và phép tính”.

Ở lời mở màn không vòng vo ấy, chương trình đã đặt thẳng những câu hỏi mà các quốc gia phải giải quyết.

Không có người dẫn chương trình, không sa đà vào những số liệu khô khan cũng như báo cáo thành tích giống các bản tổng kết thường thấy, 50 phút của chương trình như một cuốn phim tài liệu, đã dựng lại bức tranh kinh tế toàn cảnh bị bao vây bởi dịch COVID-19 hơn một năm qua.

Ở đó, số phận mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp… được đặt ở vị trí trung tâm để tự kể “biến số” của chính mình.

Bất phương trình trong đại dịch: Chưa có tiền lệ, biết bao giờ cho đến ngày xưa? - Ảnh 2.

Chị Huế, một trong 4.000 công nhân của Công ty cổ phần giày da Huê Phong (TP.HCM), bị sa thải vì dịch COVID-19 – Ảnh chụp màn hình

“Biến số” tự kể

Chương trình chia làm 4 phần: Người lao động khó khăn do mất việc; Sức khỏe cộng đồng hay sức khỏe kinh tế; Ma trận gọi vốn đa cấp 4.0 và Di cư ngược tìm sinh kế.

Xuyên suốt các phần là hình ảnh con người nỗ lực tìm mọi cách vượt thoát trong đại dịch.

Mở tập phim ra, mỗi mảnh đời xẹt qua như một lát cắt thấm thía, rung động. Chị Nguyễn Thị Huế, cựu công nhân của Công ty cổ phần giày da Huê Phong (TP.HCM), đầu trần, lầm lũi đi qua công ty cũ sau cú sốc mất việc ở tuổi ngoài bốn mươi và giọt nước mắt nhớ nhà mặn chát mà không thể về (vì không có tiền).

Anh Ánh (một lao động tự do, quê Quảng Ngãi) ngồi chia nhỏ 8 triệu đồng kiếm được suốt một tháng. Trên từng kẽ ngón chân, phần là tiền trọ, phần là tiền ăn, phần là tiền gửi về cho gia đình. Anh không biết ngày mai cuộc đời sẽ đi đâu về đâu.

Ông Nguyễn Như Nam, giám đốc một công ty lữ hành ở Đà Nẵng, đang lụi cụi tập tành làm bếp trưởng một quán ăn sau khi cho người lao động nghỉ việc vì không gồng gánh được nữa.

Hay hình ảnh ngày ngày bươn bả đi kiếm việc làm của Nguyễn Thanh Tú (33 tuổi), tối đi bán cà phê kiếm tiền trả tiền trọ. Xóm công nhân mới chiều đã đông đúc vì không còn được tăng ca.

Thậm chí cả những giấc mơ hồi hương của chị Chhim Sree, anh Châu Diên ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang… cũng để lại những dư cảm ngậm ngùi. Những bất thường chưa có tiền lệ. Biết bao giờ cho đến ngày xưa?

COVID-19 bắt nguồn từ vấn đề phi kinh tế, mang yếu tố thiên tai nhưng lại tập trung vào con người, nhất là những người nghèo. Những ánh mắt, những bóng dáng, những tâm can bộc ra tự nhiên trước máy quay. Không có gì ngăn nổi những giọt nước mắt.

“Mất việc đã khiến nhiều lao động trở nên mất phương hướng, biến họ thành một vận động viên marathon bất đắc dĩ trên những đường đua chưa gắn vạch đích”.

Từ dòng người xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp trước Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM, ống kính hết cận cảnh, rồi phóng rộng ra những dòng người xếp hàng xin trợ cấp khắp thế giới. Từ tiền đến thực phẩm. Không chỉ ở các quốc gia đang phát triển, mà ở cả những nền kinh tế hàng đầu.

Những số liệu, những thống kê biết nói, có chọn lọc. Những câu chuyện cá nhân được lồng ghép khéo léo trong những câu chuyện toàn cầu.

Những thước phim lột trần thân phận bé nhỏ của con người, đặc biệt là người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch – lực lượng lao động của nền kinh tế nhưng đang bị chìm lấp, bị lãng quên. COVID-19, loài virus bất bình đẳng, đang gặm nhấm họ mỗi ngày.

Theo WHO, trung bình mỗi giây có 3 ca nhiễm bệnh, cứ 15 giây thì có một người tử vong vì đại dịch – Ảnh chụp màn hình

Giấc mơ trong vũng lầy

Hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng. Các công ty, doanh nghiệp rơi vào cảnh “chết lâm sàng” mặc kệ truyền thông quốc tế dẫn các nghiên cứu ca ngợi Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020 (2,91%).

Nhiều khác biệt, “Bất phương trình trong đại dịch” không ra rả những điều mà ai cũng biết. Hơn 50 phút của tập phim là hơn 50 phút nhìn thẳng, đối diện và lựa chọn.

“Đại dịch đã tạo ra khúc cua cho tương lai. Từ những công nhân bỏ phố về quê, đến nhiều thứ to lớn hơn như cách các nền kinh tế vận hành”.

Hơn cả câu chuyện bề mặt, tập phim thể hiện một góc nhìn mới: góc nhìn xã hội của kinh tế. Ở đó, những thành tố tạo nên nó đang run rẩy trong chính vũng lầy của mình.

Đồng thời, phóng chiếu đến những quyết sách để nền kinh tế đó được vận hành, được bảo toàn; và có thế nào đi chăng nữa, cũng vì con người và hướng đến con người.

TIẾU TÙNG

Bài mới
Đọc nhiều