+
Aa
-
like
comment

Bắt đầu bỏ biên chế “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”

Diệu Hương - 02/07/2020 18:18

Bắt đầu từ 1/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Luật đó là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới từ ngày 1/7/2020 sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, điều này đồng nghĩa với việc không còn “biên chế suốt đời”.

So với các khu vực kinh tế khác, biên chế từ nửa thế kỷ nay được xem là đồ trang sức tương đối hấp dẫn đối với khu vực nhà nước. Với biên chế suốt đời, người lao động một khi đã được tuyển dụng sẽ ăn sâu, bén rẽ ở lại cơ quan nhà nước đến tận lúc nghỉ hưu. Dù chất lượng công việc chỉ ở mức làng nhàng, thái độ và kỷ luật công việc có tệ đến đâu. Ngoài gánh nặng về ngân sách, biên chế suốt đời khiến cho bộ máy làm việc ở một số nơi trì trệ, chất lượng công việc không cao. Chính cơ chế ấy khiến cho hệ thống hưởng lương từ ngân sách cứ ngày một phình to, bởi có vào mà ít cho ra. Cũng đã rất nhiều lần, Chính phủ chủ trương tinh giản biên chế, loại bỏ khỏi bộ máy một bộ phận viên chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, làm việc chây ì, lười biếng, kém hiệu quả. Nhưng rồi qua rất nhiều năm, hầu như không tinh giản được mấy người.

Theo con số thống kê chính thức, có tới hơn 85% số người tin giản biên chế trong những năm qua là người về hưu trước tuổi. Và rồi công cuộc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy vẫn còn không ít gian truân.

Chính vì vậy quy định xóa bỏ hợp đồng không xác định thời hạn, hay nói cách khác là bỏ biên chế suốt đời từ 1/7 năm nay được dư luận hết sức ủng hộ. Ủng hộ là bởi nó phù hợp với sự minh bạch của bộ máy hành chính nhà nước, lấy chất lượng, hiệu quả và sự hài lòng của người dân làm thước đo. Thật khó có thể chấp nhận trong một xã hội văn minh vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, viên chức đánh trống ghi tên, làm ăn vật vờ, cà phê, chuyện phiếm, đến tháng hưởng lương từ tiền thuế do nhân dân đóng góp.

Quy định bỏ viên chức suốt đời cũng sẽ tạo ra sức cạnh tranh trong đội ngũ viên chức, mỗi người lao động trong guồng máy phải cố gắng tự đổi mới mình bằng hiệu quả công việc để không bị loại. Nếu làm tốt, cơ chế ấy giúp chúng ta tuyển đúng người vào vị trí công việc, giữ lại đúng người làm được việc. Nghĩ rộng ra, một nguồn nhân lực chất lượng cao trong cơ quan nhà nước là cơ sở để cho ra đời những chính sách tốt phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển và ngược lại.

So với thông lệ quốc tế, bỏ biên chế suốt đời với viên chức là một chính sách tốt, nhưng thực thi chính sách đó ra sao cho triệt để lại là việc đáng bàn. Trước hết, người đứng đầu cơ quan phải thực sự gương mẫu, nghiêm túc thực hiện trong cơ quan, đơn vị mình và không có ngoại lệ. Sự công khai, nghiêm túc ấy phải được thực hiện từ khâu xét tuyển. Không ưu tiên con ông, cháu cha đến khâu lượng hóa chất lượng công việc hàng năm cho từng viên chức. Tiêu chuẩn đánh giá cán bộ cũng cần phải dựa trên những tiêu chí cụ thể khách quan, chứ không thể dựa vào những tiêu chí biết nghe lời, biết làm hài lòng cấp trên. Cơ chế ấy cũng phải đi kèm với những quy định thưởng phạt nghiêm khắc để những người tài được đãi ngộ xứng đáng, gắn bó lâu dài với khu vực nhà nước, mà không dịch chuyển sang khu vực khác. Cùng với đó phải kỷ luật, đưa ra khỏi bộ máy những viên chức kém hiệu quả, thiếu sáng tạo và vô kỷ luật.

Viên chức suốt đời là cách nói, nhưng xuất phát từ cách nói đó cho thấy tư tưởng yên vị, tại vị, trong khi tính chất hoạt động của viên chức trong thời đại hiện nay đã khác. Việc thay đổi một quy định, rõ ràng tác động đến nhận thức của từng người, rằng không phải cứ vào được nhà nước là ổn định hoàn toàn, trong tiềm thức viên chức sẽ có sự nỗ lực. Bên cạnh đó, quy định này cũng để thấy, nếu viên chức không nỗ lực, không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực thì phải dành cơ hội cho những người trẻ, nhiều nhiệt huyết hơn. Từ đó thúc đẩy xây dựng một nền hành chính chất lượng, hiệu quả và thúc đẩy phát triển. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, chúng ta cần hành động ngay.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều