+
Aa
-
like
comment

Bảo đảm an ninh, quốc phòng nhìn từ bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

10/09/2020 07:30

Nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng trong giai đoạn phát triển mới.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 (1945-2020) và chuẩn bị tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có bài viết quan trọng với tiêu đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74.

Trong bài viết, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng về định hướng Đại hội Đảng XIII, về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược…, trong đó có vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng trong giai đoạn cách mạng mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Trong bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, phải chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, chủ động có những phương án đối phó, không để bị động, bất ngờ; xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước bạn bè truyền thống và các nước láng giềng; vừa quan tâm đến việc nâng cao uy tín, hình ảnh của đất nước, vừa hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng”.

Tư tưởng, định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là cách tiếp cận vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng trong thời kỳ mới trên một tư duy mới. Đó là tư duy về an ninh chủ động, là xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng, đó là nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Bảo đảm an ninh, quốc phòng trong mọi thời kỳ cách mạng luôn là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, quốc phòng, an ninh của nước ta tiếp tục được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường, đặc biệt dưới tác động của đại dịch COVID-19, cùng với đó là sự cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ; sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn; tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp đã và đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia Việt Nam trong tình hình mới.

Trước tình hình đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định: “Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”.

Có thể thấy rằng, tư tưởng chỉ đạo về bảo đảm an ninh, quốc phòng trong giai đoạn cách mạng mới được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập chính là những định hướng quan trọng, là vấn đề có ý nghĩa cấp bách, chiến lược hiện nay. Từ tư tưởng, định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bảo đảm an ninh, quốc phòng ở nước ta giai đoạn phát triển mới, thể hiện một số vấn đề có tính nguyên tắc sau:

Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng. Xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ an ninh, quốc phòng. Phát triển, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân trong tình hình mới.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước; đồng thời luôn nêu cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định; đồng thời tranh thủ tối đa mọi thuận lợi từ bên ngoài. Kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá; thêm bạn, bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Xây dựng quan hệ hợp tác tin cậy, an toàn với các nước trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia khác, bảo đảm hòa bình, chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc cùng có lợi.

Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta.

Nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch trên không gian mạng. Kết hợp phòng thủ tích cực, vững chắc với tiến công đáp trả, kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống trên không gian mạng linh hoạt và hiệu quả.

Nguyễn Sơn/CAND

Bài mới
Đọc nhiều