+
Aa
-
like
comment

Báo Anh: Vì sao Việt Nam chính là đích đến lí tưởng của các nhà đầu tư toàn cầu?

Bảo Trâm - 23/03/2022 08:53

Trang Proactive của Anh vừa đăng tải bài viết của nhà kinh tế học Charlie Robertson, với tiêu đề “Why is Vietnam so favoured by global investors?” (Vì sao Việt Nam được các nhà đầu tư toàn cầu ưu ái?). Trong đó giải thích lý do tại sao Việt Nam đạt được mọi mục tiêu cần thiết để thoát nghèo, vươn lên trạng thái thu nhập trung bình và hướng tới mức độ thịnh vượng của một thị trường phát triển.

Mở đầu bài viết, tác giả đặt ra câu hỏi “Tại sao Việt Nam lại được ưa chuộng đến mức chiếm 25% tổng số tiền các nhà đầu tư toàn cầu đổ vào thị trường cận biên, trong khi Việt Nam chỉ là một trong số 22 quốc gia thuộc Chỉ số thị trường cận biên của MSCI?”

Và đây là 3 lý do đã được ông Charlie Robertson giải thích:

Thứ nhất, Việt Nam rất coi trọng giáo dục. Hơn 80% người trưởng thành Việt Nam biết chữ từ những năm 1980, trước Trung Quốc (vào những năm 1990) và Ấn Độ (vào những năm 2010).

Theo Proactive, bất kỳ quốc gia nào cũng cần đạt tỷ lệ 70-80% người dân biết chữ để thực hiện công nghiệp hóa và Việt Nam đang đi trước nhiều thập kỷ so với không chỉ các thị trường mới nổi chính thống, mà còn so với cả các thị trường cận biên như Nigeria hay Pakistan, nơi tỷ lệ dân chúng biết chữ vẫn chỉ đạt khoảng 60%.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đầu tư mạnh cho giáo dục ở cấp trung học và đại học. Gần một thập kỷ trước, Việt Nam đã có 125.000 sinh viên theo học tại các trường đại học ở nước ngoài, với tỷ lệ sinh viên đông thứ 8 so với các nước có 1sinh viên theo học tại các trường đại học của Mỹ. Phần lớn những du học sinh này được trang bị những kỹ năng quan trọng trước khi về nước.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là phòng chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, gắn các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện, kết quả thành tựu, mặt chưa được để rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp.

Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành – Ảnh: VGP

Thứ hai, công nghiệp hóa không chỉ yêu cầu dân số có thể đọc và viết. Điều quan trọng là các nhà máy cũng phải có điện.

Về lĩnh vực này, Việt Nam một lần nữa dẫn trước nhiều quốc gia khác. Dữ liệu mới nhất từ năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam cao hơn Mexico hoặc Ai Cập và cao hơn gấp đôi so với Ấn Độ hoặc Indonesia, theo Proactive.

Theo các chỉ số dự đoán, ước tính, các quốc gia cần 300-500 kwh điện trên đầu người để phát triển công nghiệp. Và Việt Nam là quốc gia đã xuất sắc vượt qua mức đó vào năm 2005, gần một thế hệ trước.

Thứ ba, Việt Nam thu được lợi ích nhờ yếu tố nhân khẩu học. Điều này có thể giải thích rằng, khi tỷ lệ sinh của một quốc gia giảm xuống dưới 3 con trên một phụ nữ, các bậc cha mẹ không chỉ dừng lại ở việc lo cho con đủ ăn đủ mặc, mà bắt đầu tiết kiệm tiền để đầu tư cho con cái học hành. Xu hướng gửi tiền ngân hàng tăng cao và kéo theo đó là sự bùng nổ hoạt động cho vay của ngân hàng.

Nguồn cung tăng đồng nghĩa chi phí sẽ rẻ. Vì vậy, trong khi các nước có mức sinh cao có khu vực ngân hàng nhỏ (khoảng 20% GDP) và chi phí đi vay cao ở mức hai con số, thì Việt Nam với tỷ lệ sinh 2 con/phụ nữ lại có tiền gửi trên 100% GDP và lãi suất thấp. Điều này lý giải việc Việt Nam có đủ khả năng xây dựng mạng lưới điện hiện có, trang Proactive phân tích.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số trưởng thành cao và nguồn đầu tư rẻ để xây dựng cơ sở hạ tầng và đổ vào khu vực tư nhân sẽ hỗ trợ kiến tạo việc làm. Giờ đây, Việt Nam đang trải qua giai đoạn “vàng” với lợi ích từ nhân khẩu học thuận lợi và sẽ tiếp tục duy trì được ưu điểm này trong nhiều năm tới, ngay cả
khi các quốc gia như Hàn Quốc bắt đầu già đi khá nhanh vào năm 2030. Tất cả những xu hướng trên lý giải thích vì sao Việt Nam phát triển “bùng nổ”.

Theo Proactive, Việt Nam hiện có xuất khẩu bình quân đầu người cao hơn nhiều so với Trung Quốc. Năm 2021, Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ ba thế giới với Mỹ, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico.

Hơn nữa, mức lương tối thiểu cạnh tranh của Việt Nam vẫn chỉ bằng một nửa của Trung Quốc, song có khả năng sẽ tăng trong những năm tới, tiếp thêm động lực cho câu chuyện nhu cầu trong nước
đang được cải thiện.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu VNĐ mạnh dần lên trong những năm tới, giống như Đức hoặc Nhật Bản đã làm trong thế kỷ 20 hoặc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc từ năm 2005.

Đặc biệt, theo dự đoán từ các tổ chức kinh tế thế giới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi quy mô kinh tế vào năm 2030, trở thành nền kinh tế 1.000 tỷ USD vào năm 2040 và 1.700 tỷ USD vào năm 2050 – tương đương quy mô kinh tế của Hàn Quốc hiện nay. Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài yêu thích Việt Nam, lựa chọn Việt Nam là đích đến phát triển.

Bảo Trâm (Theo Proactive)

Bài mới
Đọc nhiều