+
Aa
-
like
comment

Ban hành Công văn khẩn trương thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng

Thành Nhân - 26/07/2020 10:35

Sáng ngày 26/7, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Đà Nẵng đưa ra các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch lây lan

13 giờ hôm nay 26.7 không tập trung quá 30 người, tạm dừng karaoke, bar, massage…

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc UBND TP, UBND các quận, huyện và đề nghị các hội, đoàn thể, các cơ quan trung ương, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Thời hạn thực hiện từ 13 giờ ngày 26/7/2020 cho đến khi có thông báo mới.

TP Đà Nẵng yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01 mét khi tiếp xúc.

Đà Nẵng chỉ đạo các hoạt động tập trung đông người chưa cần thiết cần phải tạm dừng để đảm bảo an toàn

Tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…).

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn…) trừ các cơ sở nêu tại điểm c trên đây, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của các cơ quan chức năng.

Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Lực lượng công an chốt chặn hai đầu khu dân cư để đảm bảo việc phun thuốc diễn ra thuận lợi, an toàn.

Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời gian, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

Tạm dừng đón khách du lịch trong vòng 14 ngày

UBND TP Đà Nẵng giao Sở Du lịch, làm việc với các đơn vị, kinh doanh dịch vụ du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, khu, điểm tham quan, tàu thuyền, xe vận chuyển du lịch và các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch thực hiện tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26-7 để đảm bảo an toàn cho khách và cộng đồng cho đến khi có thông báo mới. Riêng đối với các cơ sở lưu trú trong thời gian tạm dừng nêu trên nếu có trường hợp đặc biệt thì yêu cầu đơn vị báo cáo Sở Du lịch và UBND các quận, huyện để xin ý kiến cấp thẩm quyền.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đang thực hiện chương trình du lịch hoặc phục vụ dịch vụ thì tiếp tục phục vụ chu đáo khách cho đến khi kết thúc hành trình và áp dụng các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, trang bị khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng và thường xuyên nhắc nhở du khách sử dụng.

Công khai người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Trong đó khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết và tiêu độc khử trùng các khu vực, trường hợp liên quan bệnh nhân Covid-19 để khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, không bỏ sót trường hợp có nguy cơ cao, xem xét giãn cách xã hội phù hợp thực tế.

Ngành y tế khẩn trương xây dựng phương án giám sát và theo dõi chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở … tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để xác định nguồn lây Covid-19.

Các đơn vị y tế huy động mọi nguồn lực phối hợp Trung ương tích cực điều trị với quyết tâm cao nhất, không để bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Thành ủy cũng chỉ đạo Công an TP, Sở Thông tin – Truyền thông…tăng cường thông tin tuyên truyền, công khai minh bạch thực tế chống dịch Covid-19, để ổn định tư tưởng, xử lý nghiêm, truy cứu hình sự tổ chức, cá nhân đăng tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Một trường hợp bị Công an TP xử phạt về đăng tin sai sự thật Covid-19

Trước vụ việc người nước ngoài, người Trung Quốc nhập cảnh trái phép gần đây, Thành ủy chỉ đạo tổng rà soát quản lý lưu trú, nhất là với người nước ngoài, xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo.

UBND TP cũng giao Công an TP bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội (nhất là các khu cách ly tập trung); kịp thời xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm liên quan phòng, chống Covid-19, công khai thông tin về người nước ngoài nhập cảnh trái phép và cách ly tập trung tại cơ sở lưu trú (chi phí do người cách ly tự chi trả).

Ngày 25/9, Bệnh nhân T.V.D (57 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) được công bố nhiễm Covid-19, đây là ca nhiễm bệnh đầu tiên trong cộng động sau 99 ngày Việt Nam hết dịch. Lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện tình trạng của ông D. diễn tiến nặng, phải thở bằng máy. Hiện bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, tổ hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng đã có cuộc hội chẩn lần thứ nhất để tìm biện pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng. Nhiều khả năng bệnh nhân sẽ tiếp tục thở máy và chạy ECMO trong thời gian dài.

Sáng ngày 26/7, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 ở Đà Nẵng. Việt Nam đã có bệnh nhân thứ 418. Bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Đà Nẵng và phải thở máy. Đây là ca nhiễm thứ hai được ghi nhận tại Đà Nẵng trong hai ngày qua, ca thứ hai lây nhiễm cộng đồng sau 99 ngày. Hiện chưa rõ bệnh nhân này có liên quan “bệnh nhân 416” hay không.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều