+
Aa
-
like
comment

Bài toán hậu bầu cử giữa kỳ của Mỹ

Huy Hoàng - 15/11/2022 14:19

Giành chiến thắng áp đảo ở Thượng Viện, thế nhưng ở Hạ Viện, đảng Dân Chủ vẫn bị bỏ lại với một khoảng cách khá xa so với đảng Cộng hòa. Cuộc chiến vẫn chưa ngả ngũ, tuy nhiên viễn cảnh cho sự chia sẻ quyền lực ở Quốc hội Mỹ đã trở nên khá rõ ràng. Và vì vậy mà bài toán lạm phát giờ đây đã trở thành bài toán chung mà cả hai đảng quyền lực nhất ở Mỹ phải cùng nhau giải quyết.

Cử tri tại lễ ăn mừng chiến thắng của ứng viên Thống đốc Ron DeSantis thuộc đảng Cộng hòa tại bang Florida ngày 8/11.

Trong cuộc đua giành 2 ghế Thượng viện tại hai bang Nevada và Arizona. Theo kết quả cập nhật vào 13/11 vừa qua cho thấy đảng Dân chủ đã nắm trong tay 50 ghế tại Thượng viện, trong khi đảng Cộng hòa chỉ có 49 ghế. Với kết quả này, đảng Dân chủ đã chắc chắn giữ đa số tại Thượng viện Mỹ trong 2 năm tới, do Chủ tịch Thượng viện bà Kamala Harris, người giữ lá phiếu quyết định là thành viên của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, lo lắng của đảng Dân Chủ vẫn chưa hề biến mất, do tại Hạ Viện, đảng Cộng hòa đang tiến gần tới chiến thắng khi đã có 212 ghế so với 204 ghế của đảng Dân chủ (theo kết quả cập nhật vào sáng 14/11) và đảng nào có được 218 ghế sẽ giành được quyền kiểm soát Hạ viện. Song, chiếm được ưu thế tại Hạ viện nhưng đảng Cộng hòa vẫn được dự báo sẽ chiến thắng với khoảng cách rất sít sao so với đảng Dân chủ.

Vấn đề là trước đợt bầu cử, các cuộc thăm dò đều cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Và đảng Cộng hòa đã rất trông chờ một làn sóng đỏ sẽ nổ ra.

Chủ tịch Thượng viện bà Kamala Harris

Thế nhưng, thực tế đối với đảng Cộng hòa lại vô cùng ảm đạm khi ở Thượng viện lẫn Hạ viện, đảng Dân chủ đều bám đuổi rất sít sao. Điều đó cho thấy rằng người dân Mỹ dù không hài lòng với Tổng thống Joe Biden, song cũng không hoàn toàn ủng hộ đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump. Đồng nghĩa uy tín của cả hai đảng quyền lực nhất ở Mỹ đều đang giảm sút.

Việc người dân Mỹ không nghiêng hẳn về bên nào sẽ buộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phải cạnh tranh nhau để giải quyết những thách thức chung. Trong đó có vấn đề lạm phát đang gây cơn đau dữ dội lên nền kinh tế Mỹ. Dư luận Mỹ đều đang chán nản trước sự chia rẽ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nên do đó khi quyền lực ở quốc hội Mỹ được chia sẻ, đảng nào có thành tích tốt hơn trong việc giảm lạm phát sẽ có lợi thế hơn trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024. Hay có thể nói các cử tri Mỹ hậu bầu cử giữa kỳ sẽ bắt đầu theo dõi sát sao các chính sách của cả hai đảng để lấy đó làm thước đo cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Nhìn chung, việc các cử tri Mỹ không đứng hẳn về một bên nào đã tạo một áp lực chung cho cả hai đảng. Và lạm phát sẽ là một yếu tố mang tính quyết định để các bên giành được sự tín nhiệm từ cử tri. Và với sự nỗ lực từ cả hai đảng nói trên, lạm phát ở Mỹ sẽ có thể giảm nhanh hơn dự kiến từ đó làm giảm nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi suy thoái sâu, điều đó phát đi tín hiệu tích cực cho các nhà xuất khẩu vào Mỹ như Việt Nam.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều