+
Aa
-
like
comment

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bật khóc tại hội trường Quốc hội khi tranh luận

23/10/2019 13:18

Tại nghị trường Quốc hội, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tăng giờ làm bình thường lên bình thường 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm là nhân văn, hợp lý và tự nguyện. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đã có ý kiến tranh luận, phản đối, thậm chí bà đã khóc khi nói về việc này.

Sáng 23/10, tiếp tục chương trình làm việc của mình, Quốc hội đã lấy ý kiến của các đại biểu về Bộ luật Lao động sửa đổi. Đây là vấn đề “nóng”, thu hút được sự quan tâm lớn của các đại biểu, ngay đầu giờ làm việc đã có 45 đại biểu đăng ký phát biểu.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bật khóc phản đối giữa nghị trường.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bật khóc phản đối giữa nghị trường.

Đề xuất tăng giờ làm thêm

Là một trong những người đầu tiên phát biểu, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, cơ bản nhất trí nhiều nội dung trong dự án bộ luật. Nếu dự luật được thông qua sẽ tạo nên bước đột phá trên hai hướng bao trùm hơn và hội nhập hơn.

Góp ý vào những nội dung cụ thể, về thời giờ làm việc bình thường, đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành vì phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn. “Chúng ta quy định linh hoạt rằng thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần, Nhà nước khuyến khích giờ làm việc ít hơn là 40-44 giờ/tuần tùy thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Quy định này hợp lý, hợp tình bởi nhiều lý do.

Vị đại biểu bắt đầu lý giải: “Thứ nhất, ở hầu hết những quốc gia có trình độ phát triển như nước ta và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta thì đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ. Chúng ta thì mới thoát ra khỏi ngưỡng nghèo và mới chỉ là nước có thu nhập trung bình, trình độ thấp, năng suất lao động thậm chí thấp nhất khu vực thì áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp. Rút ngắn hơn nữa thời gian lao động làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việ thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất với tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc tại nghị trường sáng 23/10.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc tại nghị trường sáng 23/10.

Thứ hai, giảm thời gian lao động sẽ gây giảm tiền lương và chậm lại kế hoạch tăng lương cho người lao động bởi mức tiền lương tối thiểu hiện tại được các bên nhất trí và được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua dựa trên tính toán mức lương tối thiểu làm việc 48 giờ/tuần. Nếu giờ thay đổi giảm xuống thì chắc chắn phải tính toán lại cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.

Thứ ba, năng suất lao động thấp nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động chưa cao, nếu giờ giảm giờ làm thì đồng nghĩa việc giảm thu nhập, người lao động phải tìm việc khác để làm tăng thu nhập”.

“Kết quả cuối cùng là giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho người lao động, mặt khác chi phí lao động của doanh nghiệp tăng lên, khả năng cạnh tranh giảm sút, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm”, vị đại biểu nhấn mạnh.

Ông Lộc tiếp tục đưa ra những lý do trong bối cảnh hiện nay: “Để duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm thì doanh nghiệp buộc phải tuyển thêm lao động nhưng trong điều kiện thị trường lao động hiện nay khi tỷ lệ thất nghiệp đang rất thấp thì các doanh nghiệp rất khó tuyển thêm lao động vì vậy buộc họ thu hẹp sản xuất”.

“Theo tính toán sơ bộ thì riêng ngành thủy sản, dệt may, da giày, túi xách, điện tử, lương thực thực phẩm nếu giảm 4 giờ/tuần thì có thể giảm sản lượng kim ngạch xuất khẩu ít nhất 20 tỷ USD/năm. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của đất nước, các doanh nghiệp FDI sẽ tìm đến những nền kinh tế có chi phí lao động thấp hơn để chuyển hướng đầu tư, Việt Nam sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng dòng vốn đầu tư FDI, thậm chí có thể xảy ra tình trạn thoái lui trong đầu tư”, vị đại biểu này dẫn chứng.

Cuối cùng, đại biểu đoàn Thái Bình khẳng định: “Có ý kiến lập luận giảm thời gian làm việc thi doanh nghiệp sẽ công bằng với khu vực Nhà nước. Nghe qua thì có vẻ có lý và mang tính nhân văn tuy nhiên, suy nghĩ kĩ sẽ không phải vì hai khu vực đang không được đặt trên cùng một mặt bằng về thu nhập và tiền lương. Chúng ta biết, hiện tại, tiền lương tối thiểu ở doanh nghiệp tại Hà Nội là gần 4,2 triệu đồng/tháng và đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, trong khi đó tiền lương cơ sở ở khu vực Nhà nước chỉ hơn 1,4 triệu đồng/ tháng và tăng chậm. Lương của một công chức kĩ sư mới ra trường không bằng lương của một lao động phổ thông trong doanh nghiệp. Vì vây rút ngắn thời gian làm việc là có phần khập khiễng trong bối cảnh hiện nay”.

Nữ đại biểu bật khóc phản đối

Phản đối về ý kiến này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP. Hồ Chí Minh đã có ý kiến tranh luận. Bà Tâm cho rằng việc ĐB Vũ Tiến Lộc nói việc duy trì giờ làm bình thường 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm là “nhân văn, hợp lý và tự nguyện” là vấn đề cần tranh luận làm sáng tỏ.

“Không biết Đại biểu Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu Quốc hội thông qua sẽ nhân văn và tự nguyện? Tôi quan tâm đến vấn đề nhân văn và tự nguyện. Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào? Tính tự nguyện ta nghe từ đâu?”, bà Tâm bắt đầu đặt câu hỏi tới ĐB Vũ Tiến Lộc.

Chính sách - ĐBQH bật khóc phản đối việc tăng giờ làm đối với người lao động
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên làm việc sáng 23/10. Ảnh Ngọc Thắng

Vị đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn chứng việc để phản đối đề xuất này: “Nếu nói là nghe từ người lao động thì tôi lấy làm lạ, tôi thực sự bất ngờ với nhận định này, vì tôi nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn nói người công nhân không muốn làm thêm giờ dù thực tế cần làm thêm giờ.

Chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ? Câu hỏi đó quá dễ trả lời, đó là vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống”.

Nói đến đây, bà Tâm bắt đầu nghẹn ngào: “Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc”.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu trước Quốc hội (ảnh chụp qua màn hình).
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu trước Quốc hội (ảnh chụp qua màn hình).
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói về lương và giờ làm thêm của công nhân - Ảnh chụp màn hình
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói về lương và giờ làm thêm của công nhân – Ảnh chụp màn hình

Rồi bà không kìm được nước mắt, bà tiếp tục nói: “Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê. Có người cha người mẹ nào muốn xa con mình hay không? Thậm chí 1 năm, 2 năm chưa về thăm được con. Có người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc. Ta phải trân trọng những lao động như thế. Họ không cam chịu, ko muốn trở thành gánh nặng xã hội, họ phải đi tìm việc làm mà nói rằng họ tự nguyện để làm quần quật suốt ngày thì tôi cho rằng quan điểm này cần tranh luận làm rõ”.

“Họ không tự nguyện mà họ cần làm thêm chứ không tự nguyện. Vậy vai trò của Quốc hội ở đây là gì, là phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định.

Đại biểu phát biểu có nghĩ đến những quy định của Hiến pháp quy định quyền con người thế nào không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tình người với người lao động nữa”, bà Tâm tiếp tục nêu quan điểm.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, “nhân văn” ở đây là bảo vệ quyền con người được hiến định, nhân văn là tình người trong sử dụng lao động.

Trước quan điểm về việc tăng giờ làm để tránh “rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, bà Tâm nói: “Sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của người lao động, mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ. Điều liện làm việc và sự tiến bộ xã hội, sự tiến bộ ở đâu khi ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động”.

“Chúng ta giảm 44 giờ có nghĩa là 4 giờ còn lại người lao động có thể làm thêm kiếm thêm thu nhập, đó là tiến bộ chứ, nhân văn cũng ở chỗ đó”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm kết thúc phần tranh luận của mình.

 

Công Luân/Người Đưa Tin

Bài mới
Đọc nhiều