+
Aa
-
like
comment

Ba Lan và câu chuyện của người lấy đá tự ghè chân mình

Phạm Khoa - 05/09/2022 14:46

Còn nhớ, 3 tuần sau cuộc xung đột Nga – Ukraine hồi tháng 2/2022, Thủ tướng Mateusz Morawiecki tuyên bố Ba Lan sẽ “phi Nga hoá” nền kinh tế, từ bỏ dầu khí Nga. Nhưng có vẻ chính tuyên bố trên đã và đang khiến Ba Lan “lâm nguy”.

Thủ tướng Mateusz Morawiecki tuyên bố Ba Lan sẽ “phi Nga hoá” nền kinh tế

Thủ tướng Mateusz Morawiecki khi đó đã khẳng định Ba Lan sẽ hủy bỏ các hợp đồng mua dầu, khí đốt và than từ Nga ngay lập tức, mà không chờ lệnh cấm vận từ EU.

Sau tuyên bố trên, ngày 29/3, Chính phủ Ba Lan đã công bố một dự luật bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga. Dự luật nêu rõ, Ba Lan sẽ áp đặt các hình phạt tài chính đối với bất kỳ tổ chức tư nhân nào nhập khẩu than của Nga vào Ba Lan.

Hai tháng sau, ngày 23/5, bằng một dòng tweet ngắn, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan đã thông báo quyết định chấm dứt thỏa thuận liên chính phủ với Nga, vốn có từ năm 1993, về đường ống dẫn khí đốt Yamal. Cùng thời điểm, thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết các cơ sở dự trữ khí đốt của Ba Lan đã nạp đầy 76% và nước này cũng có sẵn những nguồn cung cần thiết khác ngoài đường ống Yamal.

Sở dĩ Ba Lan có các động thái trên vì đây là nước EU phản đối Nga mạnh mẽ nhất từ sau vụ xung đột Nga – Ukraine. Thực chất, giữa Ba Lan và Nga đã luôn tồn tại mối quan hệ “bằng mặt không bằng lòng”, nay lại có dịp khoét sâu hơn mâu thuẫn.

Gây hấn với người Nga, Ba Lan hẳn nhiên có dự phòng đường lùi cho mình. Họ vốn kỳ vọng sẽ nhận được khí đốt từ Na Uy thông qua dự án đường ống Baltic. Theo dự kiến, khi hoàn thành vào nửa cuối năm nay, đường ống này sẽ đáp ứng được khoảng 50% lượng tiêu thụ khí đốt của Ba Lan.

Ba Lan chứng kiến cuộc khủng hoảng trầm trọng vì thiếu khí đốt

Nhưng hiện thực tại tàn khốc hơn nhiều, sau đợt bảo trì đầu tiên của Nga đối với đường ống Nord Stream 1, giá khí đốt trên thị trường châu Âu tăng cao hơn đỉnh của tháng 3 gần 40%. Ba Lan không thể đứng ngoài làn sóng khủng hoảng, khi chứng kiến hàng loạt nhà máy sản xuất sử dụng nhiều khí đốt phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.

Giữa tháng 8, khi Gazprom thông báo họ sẽ tiếp tục bảo dưỡng đường ống Nord Stream 1, trong khi mùa đông đang đến gần thì cơn ác mộng của các nước láng giềng trở thành ác mộng của Ba Lan.

Trong vòng 1 tuần, lần lượt 2 công ty hóa chất, phân bón và hóa dầu lớn nhất Ba Lan Grupa Azoty và PKN Orlen SA đã buộc phải ngừng sản xuất một số loại mặt hàng, vì không kham nổi các khoản lỗ.

Hậu quả trước mắt là nguy cơ thiếu phân bón cho vụ gieo trồng mùa thu, và xa hơn, là vụ xuân.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với ngành luyện kim, khi gần 50% số nhà máy luyện nhôm và kẽm ở châu Âu đã phải đóng cửa, trong đó Ba Lan đóng góp vào danh sách không ít tên tuổi, vì luyện kim cũng là thế mạnh của nước này.

Chưa hết, sau khí đốt, tình hình khan hiếm than để sưởi khi mùa đông đang đến gần cũng khiến Chính phủ Ba Lan đau đầu. Người Ba Lan không thể mua được than trên thị trường nội địa, và phải sang Cộng Hòa Czech để mua than, với giá cao gấp đôi và số lượng hạn chế. Giải pháp nhập than từ Colombia và Nam Phi thay thế vẫn chưa ổn lắm, vì chất lượng than thấp hơn, trong khi giá thành lại cao hơn than Nga. Trung tuần tháng 8, giá than ở Ba Lan đã tăng gấp 3 lần từ mức bình quân dưới 1.000 Zloty (208 USD)/tấn vào năm ngoái lên mức hơn 3.000 Zloty/tấn hiện nay.

Khi nói từ bỏ than Nga từ tháng 3, Thủ tướng Ba Lan chắc quên rằng, dù nước ông là cường quốc khai thác than ở châu Âu, nhưng phần lớn số than mà Ba Lan khai thác được là than chất lượng thấp và chủ yếu dùng cho các nhà máy điện. Thực tế là 40% lượng than mà các hộ gia đình Ba Lan dùng để sưởi ấm đều được nhập từ Nga.

Có thể nói, Ba Lan hiện tại giống như một người lấy đá tự ghè chân mình. Khủng hoảng giá khí đốt và thiếu than xảy ra, càng khiến các chỉ số của kinh tế Ba Lan thêm ảm đạm. So với quý trước, chỉ số tăng trưởng đã giảm đi 2,3%, khiến nhiều người bắt đầu nghĩ đến một cuộc suy thoái kinh tế.

Bên cạnh đó, việc bỏ khí đốt quay lại với than vì giá rẻ hơn của người Ba Lan đã khiến nước này trở thành đối tượng chỉ trích gay gắt của các nhà môi trường châu Âu.

Chủ nghĩa dân tộc có thể là một lý do chính đáng cho các quyết định có tính vội vã, và khá cực đoan của chính quyền thủ tướng Mateusz Morawiecki trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, hệ quả từ những quyết định đó thực sự không hề dễ chịu với phần lớn người dân Ba Lan lúc này. Họ buộc phải học một bài học cay đắng, rằng một khi an ninh năng lượng không đảm bảo, thì đừng mạnh miệng.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều