+
Aa
-
like
comment

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội, thách thức, bên nào nặng hơn

Diệu Hương - 01/08/2023 09:00

Từ ngày 1/1/2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% có hiệu lực. Điều này làm thay đổi cục diện thu hút vốn FDI tại Việt Nam theo chiều hướng thuận lợi, khó khăn đan xen. Những bước đi ngắn hạn, dài hạn như thế nào để tận dụng thời cơ, hóa giải thách thức do thuế tối thiểu toàn cầu mang lại đang là vấn đề nóng hổi hiện nay.

Doanh nghiệp FDI sẽ được hỗ trợ khi áp thuế tối thiểu toàn cầu

Thách thức không nhỏ

Năm 2017, Việt Nam bắt đầu tham gia chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Theo đó, mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.

Ở Việt Nam, theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài Chính, dựa trên quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, có khoảng 90 tập đoàn có lợi nhuận và chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Phần chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu và thuế thực tế của 90 tập đoàn này ước tính từ 10.000 – 20.000 tỉ đồng trong năm 2024.

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam kém hấp dẫn với các nhà đầu tư đa quốc gia (MNE). Đây chính là vấn đề có thể ảnh hưởng tới việc thu hút và mở rộng đầu tư chất lượng cao bởi những doanh nghiệp MNE đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn MNE cũng như có thể dẫn đến việc chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Việc chuyển dịch đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Lãnh đạo một doanh nghiệp “đại bàng” FDI cho biết khi thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, đơn vị sẽ phải nộp bổ sung số thuế 6,5 tỷ USD cho toàn thời gian của dự án triển khai tại Việt Nam. Rõ ràng, điều này sẽ làm tăng gánh nặng tài chính về thuế với những “ông lớn” FDI và làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, vốn đang có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Thậm chí, chính sách này đẩy các doanh nghiệp đa quốc gia đứng trước “ngã ba đường”, phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất đầu tư và thậm chí có thể “rời tổ” khỏi Việt Nam.

Nhưng cơ hội cũng rất lớn

Bên cạnh những thách thức nêu trên, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam nhưng cơ hội mới:

Việc tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục cải cách hệ thống thuế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực, thông lệ chung của quốc tế, từ đó góp phần tạo ra hệ thống thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi chiến lược trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, chất lượng cao, bãi bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, giảm gánh nặng thủ tục hành chính, tạo ra môi trường chính sách thu hút đầu tư minh bạch, và ít rủi ro hơn.

Khi tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia. Thu ngân sách tăng lên từ phần thu thuế bổ sung. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thực hiện quyền đánh thuế tối thiểu 15%, ngân sách sẽ có thêm từ 12.000 – 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp FDI cũng như có thêm nguồn lực để phát triển hạ tầng đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều